Tín hiệu xấu về kinh tế Việt Nam

© iStock.com / Holger Kleine Tiền VND
Tiền VND - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.06.2023
Đăng ký
Nhu cầu bên ngoài tiếp tục yếu và những bất ổn toàn cầu đang có tác động bất lợi đến nền kinh tế Việt Nam.
Theo WB, hệ luỵ này dẫn đến xuất khẩu và nhập khẩu bị thu hẹp và sản xuất công nghiệp chậm lại.
WB khuyến nghị, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ sẽ cần theo dõi chặt chẽ sự khác biệt trong xu hướng điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam so với các nước khác, có thể tạo ra áp lực lên dòng vốn và tỷ giá.

Công nghiệp suy yếu

Ngày 19/6, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 6.
Tại báo cáo này, WB đã đưa ra những thông số không mấy khả quan về kinh tế Việt Nam, đồng thời, khuyến nghị chính phủ cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công sẽ hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.
Theo báo cáo của WB, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ trong tháng Năm, giảm từ mức 0,5% so với cùng kỳ trong tháng 4.
“IIP suy yếu phần lớn là do sản xuất bị thu hẹp trên diện rộng - bao gồm may mặc, giày dép, gỗ và giấy, điện tử, máy móc, xe có động cơ và đồ nội thất”, WB nhấn mạnh điều này phản ánh tình trạng xuất khẩu tiếp tục suy yếu.
Đồng Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.06.2023
Việt Nam ồ ạt hạ lãi suất để tránh đổ vỡ kinh tế, NHNN đã bán ròng 25 tỷ USD
Chỉ số PMI của Việt Nam vẫn nằm trong vùng thu hẹp (dưới mức 50) trong tháng thứ ba liên tiếp, giảm xuống 45,3 từ 46,7 trong tháng Tư cho thấy các điều kiện kinh doanh dự kiến tiếp tục chưa cải thiện trong thời gian tới.
Theo Ngân hàng Thế giới, doanh thu bán lẻ tiếp tục tăng ở mức 11,5% (so với cùng kỳ) trong tháng Tư, tương đương với tốc độ tăng trưởng trong hai tháng trước đó và so với giai đoạn trước đại dịch.
Doanh thu bán hàng hóa được cải thiện từ 9,7% trong tháng Tư lên 10,9% trong tháng Năm. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng doanh thu của dịch vụ giảm từ 19,2% so cùng kỳ trong tháng Tư xuống còn 7,6% trong tháng Năm.
“Sự suy giảm này chủ yếu là do sự tăng trưởng chậm lại của các dịch vụ du lịch (40,3% so với cùng kỳ trong tháng Năm, so với 86% so với cùng kỳ trong tháng Tư) và dịch vụ khách sạn (12,1% so với cùng kỳ trong tháng Năm, so với 21,1% so với cùng kỳ trong tháng Tư)”, WB lưu ý.
Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đón khoảng 4,6 triệu lượt khách quốc tế kể từ tháng 1/2023, tăng 11,6% so với cùng kỳ 5 tháng năm 2022, nhưng thấp hơn 37% so với thời kỳ trước đại dịch.

Xuất khẩu bị thu hẹp

WB cũng lưu ý, mặc dù xuất khẩu hàng hóa đã tăng 4,3% trong tháng Năm so với tháng Tư, nhưng vẫn thấp hơn 6% so với một năm trước do nhu cầu bên ngoài yếu.
Hầu hết tất cả các lĩnh vực sản xuất chính tiếp tục bị thu hẹp xuất khẩu trong tháng Năm.
Xuất khẩu hàng may mặc và giày dép lần lượt giảm 16,7% và 5,4% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu máy tính, máy móc và điện thoại thông minh tương ứng giảm 11,4%, 6,4% và 5,2% so với cùng kỳ.
Nhập khẩu giảm 18,4% so với cùng kỳ trong tháng 5/2023, so với mức giảm 23,1% trong tháng Tư, phản ánh nhu cầu đối với đầu vào nước ngoài của cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước tiếp tục giảm.
Đồng Việt Nam và đô la Mỹ - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.06.2023
Kinh tế Việt Nam lộ điểm yếu
Sự sụt giảm chủ yếu là do nhập khẩu nguyên liệu dệt may giảm (-37,5%), điện tử và linh kiện máy tính (-10%), máy móc (-17,3%) và điện thoại thông minh (-56%).
“Sự sụt giảm liên tục của các yếu tố đầu vào nhập khẩu có thể cho thấy khu vực doanh nghiệp dự đoán hoạt động xuất khẩu sẽ còn suy yếu trong những tháng tới”, báo cáo của WB bày tỏ.

FDI chậm lại

Theo báo cáo của WB, lạm phát tại Việt Nam tiếp tục hạ nhiệt. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục có xu hướng giảm trong tháng thứ tư liên tiếp, giảm từ 2,8% trong tháng Tư xuống 2,4% trong tháng Năm.
Giá năng lượng toàn cầu giảm đã giúp giá nhiên liệu và xăng dầu trong nước giảm, dẫn đến đóng góp âm (-0,9%) của ngành giao thông vào lạm phát CPI.
Trong khi đó, lương thực và thực phẩm, cũng như nhà ở và vật liệu xây dựng là những nguyên nhân chính gây ra lạm phát CPI, tăng lần lượt là 3,6% và 6,4%.
Lạm phát cơ bản, loại trừ thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng có giá do Chính phủ quản lý như dịch vụ giáo dục và y tế, vẫn ở mức cao (4,5% so với cùng kỳ) trong tháng Năm so với tháng Tư (4,6%), cho thấy việc tăng giá nhiên liệu vào năm 2022 đã ảnh hưởng đến cơ cấu chi phí của nền kinh tế, bao gồm cả việc làm tăng chi phí vật liệu xây dựng.
Cũng theo WB, cam kết FDI đã chậm lại trong tháng Năm do những bất ổn toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư. Vốn FDI giải ngân đạt 1,8 tỷ USD trong tháng Năm, tương đương với cùng kỳ năm 2022.

Cẩn trọng chính sách tiền tệ

Lũy kế giải ngân vốn đầu tư công từ tháng 1-5/2023 đạt 22,2% so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (707.400 tỷ đồng) cho năm tài chính 2023, tăng khoảng 9% so với cùng kỳ.
Tính đến hết tháng Năm, Kho bạc Nhà nước đã phát hành khoảng 163.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, chiếm 25,3% tổng kế hoạch vay dự kiến cho năm 2023. Khoảng 90% trái phiếu phát hành có kỳ hạn dài (10-15 năm).
Trong khi tiêu dùng trong nước (thể hiện qua doanh thu bán lẻ) vẫn khá vững và có thể so sánh với mức tăng trước đại dịch, tăng trưởng tín dụng tiếp tục chậm lại, phản ánh nhu cầu tín dụng yếu.
Những người đang đi xe máy qua trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở trung tâm thành phố Hà Nội - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.06.2023
Ngân hàng Việt Nam ồ ạt mua lại trái phiếu
Trường hợp điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn, nhu cầu bên ngoài có thể suy yếu hơn nữa, nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới lưu ý.
Theo WB, miền Bắc bắt đầu bị thiếu điện tiêu dùng và sản xuất vào cuối tháng Năm, nếu không được giải quyết kịp thời có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Khi lạm phát có dấu hiệu giảm dần, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nới lỏng các chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.
“Tuy nhiên, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ sẽ cần theo dõi chặt chẽ sự khác biệt trong xu hướng điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam so với các nước khác, có thể tạo ra áp lực lên dòng vốn và tỷ giá”, WB lưu ý.
Ngân hàng Thế giới cũng khuyến cáo Việt Nam cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công bao gồm cả các chương trình mục tiêu quốc gia sẽ hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.
Ngoài ra, ưu tiên đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số và công nghệ xanh, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững lâu dài.
Trong khi hoạt động xuất khẩu chế biến, chế tạo chậm lại và việc làm trong lĩnh vực sản xuất bị ảnh hưởng, WB cho rằng, phải nhanh chóng xác định và hỗ trợ những người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng thông qua hệ thống bảo trợ xã hội.
“Hợp lý hóa các thủ tục hành chính và loại bỏ các rào cản pháp lý sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động kinh doanh và đầu tư cần thiết cho tăng trưởng kinh tế”, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала