Nếu không phải là Việt Nam thì EC đã giơ “thẻ đỏ” từ lâu

© Ảnh : TTXVN - Mai Công LuậtTàu thuyền neo đậu tại Cảng cá Nam Định để tránh bão.
Tàu thuyền neo đậu tại Cảng cá Nam Định để tránh bão. - Sputnik Việt Nam, 1920, 16.08.2023
Đăng ký
Các chuyên gia cho rằng, để EC tháo gỡ “thẻ vàng” đối với hải sản, Việt Nam cần quy hoạch và tổ chức lại ngành đánh bắt hải sản, các cơ quan ngoại giao cần tích cực xúc tiến những đàm phán với các nước trong khu vực về thiết lập những vùng đánh cá chung.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại phiên chất vấn của Quốc hội vừa qua đã thông tin: Trong 8 tháng đầu năm nay, 26 tàu cá Việt Nam với 166 ngư dân đã bị lực lượng thực thi pháp luật nước ngoài bắt giữ tại khu vực Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Campuchia. Ngoài việc đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài, ngư dân cũng thường mắc một số lỗi như mất liên lạc với thiết bị theo dõi tàu cá (VMS), vượt biên giới trên biển.
“Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định sẽ không gỡ thẻ vàng đối với hải sản của Việt Nam trừ khi chấm dứt tình trạng này”.
Thủy sản Việt Nam bị thẻ vàng có phải chỉ vì vi phạm của ngư dân Việt Nam hay không? Chính quyền Việt Nam đã và đang áp dụng những biện pháp gì để giải quyết tình trạng này và chúng có đủ mạnh hay không?

Căn nguyên chủ yếu của tình trạng đánh bắt hải sản trái phép trên EEZ của các nước khác

“Tình trạng ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) thuộc chủ quyền của quốc gia khác là nguyên nhân chính dẫn đến việc EC “giơ thẻ vàng” đối với thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam”, - Chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam Nguyễn Hồng Long phát biểu với Sputnik.
Chuyên gia Nguyễn Hồng Long cũng giải thích rằng, căn nguyên chủ yếu của tình trạng này có từ ba vấn đề:
Một là người dân thiếu hiểu biết về luật pháp quốc tế hoặc hiểu biết nhưng vẫn cố tình vi phạm. Họ ham chạy theo luồng cá để đánh bắt, bất chấp việc vi phạm vùng biển của nước khác. Cách đây gần 10 năm, đã có tình trạng các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam “vươn khơi” tới mức xông vào đánh cá trái phép ở khu bảo tồn rạn san hô của Australia gần Darwin, bị cảnh sát biển Úc bắt giữ, xử lý. Còn Indonesia thì đã thẳng thừng cho hủy nổ hàng chục tàu cá của Việt Nam xâm phạm vùng biển của họ. Số ngư dân bị bắt vì vi phạm vùng biển Malaysia và bị phía Malaysia xử tù lên tới hàng nghìn.
Tàu đánh cá của ngư dân được neo đậu an toàn tại vùng biển Hòn Gai. - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.08.2023
Bộ Nông nghiệp ra công điện khẩn chuẩn bị cho đợt thanh tra thứ 4 của EC
Hai là quản ý nhà nước về đánh bắt thủy sản còn lỏng lẻo, gần như “khoán trắng” cho các tỉnh, thành phố ven biển; tỉnh lại “khoán trắng” cho các địa phương. Từ đó sinh ra tình trạng mất kiểm soát, mặc dù đã tốn rất nhiều kinh phí để lắp đặt các thiết bị định vị.
“Với quy hoạch manh mún của hệ thống ngư nghiệp Việt Nam thì chuyện “bắt cóc bỏ đĩa” là chuyện cơm bữa”, - Chuyên gia Nguyễn Hồng Long nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
Nguyên nhân thứ ba được cho là giá cả của hải sản Việt Nam trên thị trường thế giới thấp hơn khá nhiều, nhất là ở các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản…

“Thẻ vàng” của EC không khác gì một biện pháp “bảo hộ mậu dịch” trá hình để chống lại sự cạnh tranh của hải sản Việt Nam”, - Chuyên gia Nguyễn Hồng Long bình luận.

Theo các chuyên gia Sputnik đã phỏng vấn, ngoài ba nguyên nhân chính nói trên còn có nhiều lý do khác để EC giơ “thẻ vàng” trước thủy sản Việt Nam như hàm lượng chất bảo quản, chất kháng sinh (đối với thủy hải sản nuôi trồng).
Giới chuyên gia cũng nhấn mạnh, về thực chất, đối với nhiều quốc gia khác, có tình trạng như Việt Nam thì EC đã giơ “thẻ đỏ” từ lâu. Nhưng vì mối quan hệ lâu dài cũng như những cam kết của Việt Nam nên EC đã chưa hành động mạnh tay hơn mà thôi.

Chưa có một cơ chế đủ mạnh và tích cực

Như Sputnik đã đề cập ở trên, việc “khoán trắng” công tác quản lý đánh bắt hải sản trên biển cho các địa phương mà không có một cơ chế kiểm soát đủ mạnh là một trong các nguyên nhân gây nên tình trạng các quốc gia láng giềng giáp Biển Đông liên tục khiếu kiện Việt Nam đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển của họ.
sầu riêng - Sputnik Việt Nam, 1920, 22.07.2023
Trung Quốc làm gắt, Việt Nam phát cảnh báo
Hiện nay, chính quyền Việt Nam có hai biện pháp chủ yếu là vận động, giáo dục và trừng phạt.
“Trong thời gian qua, việc quá thiên về vận động giáo dục do “thương dân” ít phát huy tác dụng. Các biện pháp kỹ thuật như bắt buộc lắp đặt thiết bị định vị vệ tinh là một bước tiến quan trọng như vẫn phụ thuộc vào đối tượng quản lý. Các cơ quan hữu trách đã không xử lý thích đáng các trường hợp ngư dân tắt thiết bị định vị vệ tinh để thực hiện hành vi đánh bắt trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền nước ngoài”, - Nhà phân tích Nguyễn Hoàng đưa ra nhận định với Sputnik.
Liên quan đến các hoạt động ngoại giao của Việt Nam về vấn đề này, nhà phân tích Nguyễn Hoàng nhấn mạnh: Phía Việt Nam vẫn chỉ tập trung vào việc đề nghị EC hãy “nương tay” nhưng lại không tích cực thiết lập các quan hệ với các đối tác trong ASEAN, những nước mà ngư dân Việt Nam đã đánh bắt trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của họ.

Những công việc cần thiết khác cần làm

Vậy câu hỏi được đặt ra là: Những hoạt động và công việc cần thiết gì khác nữa cần phải được thực hiện?
Theo ý kiến chung, trước hết, cần xử phạt nghiêm khắc các trường hợp ngư dân Việt Nam xâm phạm hải phận của nước láng giềng để đánh bắt hải sản trái phép. Một khi việc tuyên truyền, vận động, giáo dục đã đến mức tới hạn mà chưa đạt được hiệu quả thì cần có những biện pháp mạnh để xử lý như xử phạt hành chính với mức phạt “không thể chịu nổi”, thậm chí là thu hồi giấy phép hành nghề, cấm xuất bến nếu chủ tàu cá tái phạm nhiều lần. Từ đó, mới có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh và giảm thiểu tối đa những hành động vi phạm.
Tuy nhiên, đó không phải là giải pháp căn cơ. Để chấm dứt triệt để tình trạng ngư dân Việt Nam xâm phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản trái phép, cần làm những việc cần thiết khác nữa.

“Chúng ta cần phải giải quyết cái gốc của vấn đề là ngư trường cạn kiệt nên ngư dân mới qua ngư trường nước khác đánh bắt. Vấn đề chính là ở các cơ quan quản lý lĩnh vực này. Ở các nước khác, việc đánh bắt phải theo quota, đánh bắt theo mùa, mùa nào bắt loại cá nào, bắt theo kích cỡ con to nhỏ, phải có mùa cấm biển để sinh vật sinh sản. Cái gốc cần phải giải quyết căn cơ thì mới giải quyết được vấn đề”, - Bạn đọc VNExpress Đặng Trí Bùi đưa ra đánh giá của mình.

“Tôi đồng ý với cách nhìn nhận trên. Việt Nam cần có quy hoạch việc đánh bắt hải sản, cần có những quy định chặt chẽ và cần có những hình phạt nặng hơn đối với các vi phạm. Chứ Ủy ban châu Âu (EC) đã ra cảnh báo thẻ vàng với thủy sản khai thác của Việt Nam ngày 23/10/2017, tức là đã gần 6 năm rồi, mà tình trạng không khá lên. Từ sau khi bị cảnh báo thẻ vàng IUU, tỷ trọng xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang châu Âu giảm dần qua từng năm”, - TS Hoàng Giang nói với Sputnik.

Đồng Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.08.2023
Agribank "bơm tiền" cho doanh nghiệp lâm sản, thủy sản
Chuyên gia về các vấn đề đối nội Nguyễn Hồng Long thì đưa ra 2 hướng giải pháp:
Theo đó, giải pháp thứ nhất là tổ chức lại ngành thủy sản theo mô hình doanh nghiệp lớn, thu hút các hộ ngư dân vào các doanh nghiệp này để tạo lập các công ty, tập đoàn nghề cá. Quy mô của doanh nghiệp tùy thuộc vào số lượng nhân lực, phương tiện và chất lượng phương tiện. Các doanh nghiệp này hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Trong đó, các hộ ngư dân có đóng góp tàu, thuyền, nhân lực có thể trở thành các cổ đông của một doanh nghiệp hành nghề đánh bắt hải sản.

“Thực hiện được điều này sẽ giúp xóa bỏ tình trạng manh mún, nhỏ lẻ đối với ngành nghề thủy sản; tập trung sức người, sức của cho các hoạt động có tổ chức, tuân thủ pháp luật Việt Nam và công pháp quốc tế”, - Chuyên gia Nguyễn Hồng Long nói với Sputnik.

Ông Nguyễn Hồng Long cũng nhấn mạnh, mô hình doanh nghiệp này còn là nền tảng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo một cách có quy củ, phối hợp liên kết chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau khi có tình huống. Đây là một việc khó nhưng phù hợp với xu thế tập trung sức sản xuất nên rất cần phải làm sớm, làm quyết liệt. Từ đó mới xóa bỏ tình trạng “con sâu báo hại nồi canh”, xóa bỏ tình trạng chỉ vì một vài chủ tàu “vô pháp vô thiên” làm ảnh hưởng xấu tới toàn ngành.
Hướng giải pháp thứ hai là ngành ngoại giao cần xúc tiến các cuộc đàm phán với các đối tác trong khu vực để thiết lập những vùng đánh cá chung. Những vùng đó thường là các vùng chồng lấn giữa hải phận của Việt Nam với hải phận nước láng giềng. Trong khu vực đánh cá chung ấy, tàu cá nước ngoài và tàu cá Việt Nam có thể tăng cường được năng lực đánh bắt nhằm tránh hiện tượng truy đuổi, vây lùa luồng cá để rồi phía bên kia được hưởng lợi. Thực hiện được điều này sẽ rất có lợi cho ngư dân của cả hai bên; đồng thời giúp làm giảm căng thẳng và triệt tiêu xung đột đối với việc khai thác nguồn lợi hải sản giữa các quốc gia láng giềng của Việt Nam trên Biển Đông. Mặt khác, đó cũng là một hành động hữu hiệu, có tác dụng vô hiệu hóa các lệnh cấm đánh bắt cá vô lý mà Trung Quốc vẫn ban hành hàng năm.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала