Samsung đang nắm "át chủ bài" giúp xuất khẩu Việt Nam phục hồi

© TTXVN - An ĐăngThứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.09.2023
Đăng ký
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, dự báo tình hình xuất khẩu của Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ tốt hơn.
Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn như Samsung đẩy mạnh xuất khẩu các mẫu điện thoại mới sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu phục hồi mạnh hơn.

Xuất khẩu khởi sắc

Tại họp báo Chính phủ chiều ngày 9/9, phóng viên đặt câu hỏi về tình hình xuất khẩu tháng 8 và liệu từ nay đến cuối năm, Việt Nam có thể đạt các mục tiêu như đã đề ra cho xuất khẩu hay không.
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước. Đây cũng là tháng thứ 4 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng.
"Kết quả này giúp kim ngạch xuất khẩu tiếp tục đà phục hồi tháng sau cao hơn tháng trước, sau tình hình tương đối ảm đạm trong quý I/2023", - ông Hải nói.
Hồi tháng 5/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 4,3% so với tháng 4; tháng 6 tăng 4,5% so với tháng 5; tháng 7 tăng 0,8% so với tháng 6; tháng 8 tăng 7,7% so với tháng 7.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp khu vực kinh tế trong nước đạt 8,43 tỷ USD, tăng 8,7%; của doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,94 tỷ USD, tăng 7,3%, thấp hơn mức tăng của doanh nghiệp khu vực kinh tế trong nước.
Kết quả xuất khẩu tháng 8 cũng giúp cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng thông tin các mặt hàng xuất khẩu ghi nhận sự tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 8 so với tháng trước có các mặt hàng như: sản phẩm điện tử, máy vi tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; dệt may, giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ…
Đánh giá về nguyên nhân xuất khẩu phục hồi, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, trước nhất, cần ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều chính sách được ban hành kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tiễn, hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp.
© TTXVN - An ĐăngHọp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2023
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2023 - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.09.2023
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2023
Tiếp đó, phải quay trở lại lý do xuất nhập khẩu hàng hoá giảm mạnh từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 là tổng cầu tiêu dùng sụt giảm, lạm phát cao ở các nước phát triển, nhất là ở các nước là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, việc duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt và hàng tồn kho ở mức cao khiến đơn hàng nhập khẩu hàng hoá của các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam sụt giảm.
"Tuy nhiên, từ đầu quý II đến nay, đặc biệt là bước sang quý III, hoạt động xuất khẩu đã có sự khởi sắc. Hàng tồn kho ở các thị trường mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu đã giảm, như tại hoa Kỳ 6 tháng đầu năm tồn kho ở mức 20%, nhưng đến tháng 8 đã giảm còn 10%, và dự báo đến cuối năm 2023 sẽ tiệm cận về mức 0%. Đây chính là cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của chúng ta, khi Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam", - Thứ trưởng báo tin vui.

Xuất khẩu có triển vọng khi Samsung tung mẫu điện thoại mới

Mặt khác, theo người phát ngôn Bộ Công Thương, từ nay đến cuối năm 2023, dù có những tín hiệu tích cực, song dự báo bối cảnh kinh tế thế giới cũng còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
Mặc dù đã chững lại, song lạm phát vẫn ở mức cao tại các thị trường; trong khi tình hình địa chính trị, đặc biệt là xung đột giữa Nga và Ukraina vẫn diễn biến phức tạp, khiến chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứt gãy, giá cả nhóm hàng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn duy trì ở mức cao.
"Dù vậy có những yếu tố giúp chúng ta có thể kỳ vọng từ nay đến cuối năm các đơn hàng xuất khẩu sẽ phục hồi", - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ rõ.
Theo ông Hải, thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam vốn có sức chống chịu, linh hoạt và chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong xuất khẩu.
Thứ hai, các doanh nghiệp cũng đã phát huy sự chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới để bù đắp, thay thế các thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, khai thác tốt các ưu đãi, lợi thế từ những FTA thế hệ mới.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng ước đạt 374,23 tỷ USD - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.08.2023
Samsung có thể gây bất ngờ cho xuất khẩu mặt hàng tỷ đô của Việt Nam
Thứ ba, tại các địa phương, các doanh nghiệp FDI đã có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian từ nay đến cuối năm, đưa ra các sản phẩm mới để xuất khẩu.

"Ví dụ như Tập đoàn Samsung đã cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu nhiều sản phẩm, trong đó có nhiều mẫu điện thoại mới sang các thị trường trong phạm vi toàn cầu", - Thứ trưởng dẫn chứng.

Như Sputnik đưa tin, trước đó, theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, Samsung là nguyên nhân chính dẫn đến lượng xuất xưởng điện thoại thông minh sản xuất tại Việt Nam giảm 23,1% so với cùng kỳ trong quý I.

"Samsung, hãng thống trị doanh số điện thoại di động "Made in Vietnam", là tác nhân lớn nhất dẫn đến sự sụt giảm. Doanh số của Samsung giảm 22,5%, chủ yếu ở danh mục điện thoại thông minh", - theo Counterpoint.

Tại họp báo, Thứ trưởng Hải lưu ý, căn cứ kết quả xuất nhập khẩu cho đến thời điểm hiện nay, mục tiêu tăng trưởng 6% kim ngạch xuất khẩu như kế hoạch đặt ra từ cuối năm 2022 là hết sức khó khăn.
"Tuy nhiên, với sự chủ động, tích cực, sát sao của các cấp, các ngành, từ Chính phủ đến các Bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta tin tưởng vào kết quả khả quan về kim ngạch xuất khẩu từ nay đến cuối năm 2023", - đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Bàn về các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, theo Thứ trưởng, cần tiếp tục hỗ trợ tối đa tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, giảm chi phí cho doanh nghiệp… qua đó doanh nghiệp xuất nhập khẩu có động lực duy trì sản xuất kinh doanh, có nguồn vốn nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu theo các đơn hàng mới.
Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để mở rộng thị trường, có cảnh báo sớm về biện pháp phòng vệ thương mại của các nước, đặc biệt là các nước mà Việt Nam đang có kim ngạch xuất khẩu lớn, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các FTA, trong đó đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA, hay các Hiệp định FTA mới với Israel để đẩy mạnh xuất khẩu.

Liệu Việt Nam có thể đạt mục tiêu tăng trưởng?

Trả lời về khả năng liệu Việt Nam có thể đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay là 6,5% trong khi nửa đầu năm mới đạt 3,72%, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, đây là mức thấp hơn so với các mục tiêu đề ra cũng như kịch bản Nghị quyết 01 của Chính phủ.
"Điều đó đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho những tháng cuối năm vì muốn đạt các mục tiêu đề ra thì các kịch bản đều hướng tới mức tăng trưởng khá cao. Có những kịch bản hơn 9%, có kịch bản tăng từ 7-8%", - Thứ trưởng Phương thừa nhận đây là nhiệm vụ rất nặng nề.
Theo ông, Bộ KH&ĐT đã phân tích rất kỹ lưỡng, trong đó có kiến nghị về các mục tiêu từ nay đến cuối năm cố gắng tối đa đạt được các kết quả tốt nhất có thể. Ngay từ sau phiên họp thường kỳ tháng 6, Bộ cũng đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 105 để đề ra nhiều giải pháp vừa mang tính cấp bách trong năm nay vừa căn cơ lâu dài để thực hiện các nội dung cơ cấu nền kinh tế, phát triển nền kinh tế mới, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số…
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam. - Sputnik Việt Nam, 1920, 30.07.2023
Đưa người Việt vào dàn lãnh đạo của Samsung Việt Nam
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhắc việc Chính phủ yêu cầu tất cả các cấp, các ngành, các địa phương tập trung tối đa các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng. Về thúc đẩy tăng trưởng, Việt Nam có những điểm thuận lợi như sự phục hồi khá tốt của khu vực dịch vụ, đây là điểm nhấn để tập trung hơn nhằm đóng góp cho tăng trưởng, đặc biệt là du lịch.

"Thấy rõ thực tế du lịch nước ta trong những tháng qua phục hồi và phát triển rất tốt", - Thứ trưởng cho biết.

Thứ hai là tập trung củng cố và phát triển trụ đỡ rất quan trọng của nền kinh tế là khu vực nông nghiệp trong bối cảnh căng thẳng lương thực trên thế giới. Điểm thuận lợi của Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản tốt. Tuy nhiên, còn có bài toán cân đối để vừa phục vụ tăng trưởng kinh tế vừa bảo đảm an ninh lương thực nội địa. Đây là ngành mà Việt Nam luôn luôn chú trọng khi gặp khó khăn.
Động lực thứ ba là thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tạo sức cầu lớn cho các doanh nghiệp khi chuyển đổi cơ cấu sản xuất hướng tới thị trường trong nước khi bên ngoài đang khó khăn.
Bên cạnh đó, phải thường xuyên nắm bắt tình hình, chắt chiu tận dụng từng cơ hội để tăng thêm các đơn hàng quốc tế nhằm tăng cường xuất khẩu, duy trì các hoạt động sản xuất, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo trong nước.
Về giải ngân vốn đầu tư công, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công cùng kỳ tháng 8 so với các năm trước đây và trong vòng 5 năm trở lại đây, tháng 8/2023 là cao nhất, không chỉ số tương đối mà còn cả số tuyệt đối.
"Đó cũng là điều để chúng ta có thể có niềm tin về việc đạt được mục tiêu cao trong giải ngân từ nay đến cuối năm 2023. Chúng ta biết số vốn tương đối lớn, nhưng kèm theo đó là danh mục dự án nhiều và dự án đầu tư cũng khá lớn", - ông nói.
Nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công. Hiện nay toàn bộ hệ thống phục vụ cho công tác giải ngân và thủ tục hành chính đã sẵn sàng; nếu có hồ sơ giải ngân sẽ chuyển tiền một cách nhanh nhất nhưng đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng rất nhiều từ các cơ quan quản lý dự án, các nhà thầu.
"Từ nay đến cuối năm, chúng tôi tin tưởng mức 95% mà Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu sẽ đạt được trong năm 2023", - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала