Vụ khách tố SCB cấu kết Manulife, bảo hiểm lừa đảo, phạt 100 triệu răn đe ai?

© AFP 2023 / Hoang Dinh NamĐồng Việt Nam
Đồng Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 21.09.2023
Đăng ký
Từ vụ lùm xùm khách hàng tố cáo SCB cấu kết Manulife "hô biến" tiền gửi tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm, cùng hàng loạt khiếu nại liên quan bảo hiểm bán qua kênh ngân hàng (bancassurance) có dấu hiệu lừa đảo, việc Bộ Tài chính đề xuất mức phạt cao nhất chỉ 100 triệu đồng, theo nhiều người, là không đủ răn đe.
Để lấy lại niềm tin cho người mua bảo hiểm, các chuyên gia cho rằng, mức phạt 100 triệu đồng chưa đủ răn đe, mà cần các biện pháp bổ sung để tránh tình trạng doanh nghiệp "nhờn luật", coi thường nhà quản lý.

Từ vụ SCB bắt tay Manulife

Thời gian qua, thị trường bảo hiểm Việt Nam trải qua giai đoạn khó khăn với cuộc khủng hoảng niềm tin chưa từng có, nhất là sau vụ việc xuất hiện hàng loạt tố cáo của khách hàng khi tiền gửi tiết kiệm của họ bỗng bị hô biến thành hợp đồng bảo hiểm.
Như Sputnik đã thông tin, tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/9 vừa qua, nhắc lại yêu cầu của Quốc hội về thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm tại Kỳ họp hồi tháng 6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần có chuyên đề riêng vấn đề này hoặc thông qua kiểm toán các tổ chức tín dụng, bảo hiểm để xác định "có hay không bắt tay giữa ngân hàng, bảo hiểm".
Trước đó, nêu ý kiến về báo cáo công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023 tại phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Tư pháp, sáng 6/9, Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị rà soát lại lĩnh vực bảo hiểm sau loạt tố cáo của khách hàng đối với ngân hàng SCB và Manulife.
Theo nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, đến ngày 31/5/2023, Bộ Công an đã tiếp nhận 6.060 khiếu nại về hợp đồng bảo hiểm và tố cáo ngân hàng SCB móc nối với công ty bảo hiểm Manulife có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, bà Mai Thị Phương Hoa khi trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đã nhấn mạnh, hiện dư luận và cử tri vẫn băn khoăn với vấn đề nổi lên thời gian qua như việc có hay không sự bắt tay giữa một số ngân hàng và các công ty bảo hiểm để các nhân viên ngân hàng tư vấn sai sự thật, mời gọi khách hàng chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm đầu tư.
Hậu quả, đến nay với hàng nghìn đơn tố cáo, khiếu nại của người dân làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân với hệ thống ngân hàng và bảo hiểm.
"Do đó, cần làm rõ các hành vi tư vấn mua bảo hiểm của nhân viên công ty bảo hiểm không đầy đủ các nội dung hợp đồng hoặc sai lệch thông tin hợp đồng bảo hiểm", - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Sputnik Việt Nam, 1920, 12.09.2023
Từ vụ SCB móc nối với Manulife: Kiểm toán Nhà nước làm rõ ngân hàng có bắt tay bảo hiểm

Đến bảo hiểm bị tố lừa đảo nhưng mức xử phạt "không thấm vào đâu"

Theo phản ánh của báo chí trong nước, thực tế, ngay từ giữa năm 2022 tới nay, nhiều người mua bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng bất ngờ gửi đơn khiếu nại, kêu cứu khắp nơi khi bị các chuyên viên tư vấn ngân hàng lừa ký hợp đồng sai quy định.
Lời kêu cứu của họ chỉ là trong vô vọng vì khi trả lời đơn khiếu nại, đa số các công ty, doanh nghiệp bán bảo hiểm cho biết, hợp đồng bảo hiểm phát hành đúng quy trình và yêu cầu khách hàng trình bằng chứng như ghi âm, video nhân viên tư vấn sai. Tuy nhiên, bản thân hầu hết khách hàng thậm chí còn không biết khoản tiền tiết kiệm của mình đã bị hô biến thành hợp đồng bảo hiểm, họ không hề đề phòng mà ghi âm, ghi hình trong quá trình tư vấn.
Theo lời kể của một nạn nhân với báo Tiền phong, khi tới gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng VIB, nhân viên tư vấn cho chị Lưu Thuý Hiệp (Hà Nội) mua sản phẩm mới với mục đích tích lũy đầu tư và hướng dẫn chị ký khống vào một số chứng từ, giấy tờ.
Sau nhiều kỳ đóng phí, nữ khách hàng mới phát hiện khoản tiền tiết kiệm đã bị hô biến thành hợp đồng bảo hiểm. Khi gọi điện yêu cầu rút tiền, công ty bảo hiểm cho biết, sẽ bị trừ khoản phí khiến số tiền nhận lại ít hơn nhiều so với nhân viên tư vấn.

"Tôi không có ý định mua bảo hiểm, không quan tâm quyền lợi được bảo hiểm. Chính nhân viên tư vấn tại ngân hàng đã lập lờ để tôi mua bảo hiểm nhân thọ của Prudential và tự ý chuyển tiền của tôi vào quỹ đầu tư mà tôi không hề biết", - chị Hiệp bức xúc chia sẻ.

Sau các nỗ lực phản ánh đến cơ quan chức năng, ngân hàng, phía Prudential có văn bản trả lời chị Hiệp và cho rằng, hợp đồng được phát hành đúng quy trình và yêu cầu bổ sung bằng chứng như ghi âm, video cho thấy nhân viên ngân hàng đã tư vấn sai. Tuy nhiên nữ khách hàng cho biết, điều này là không thể vì nếu biết là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, chị đã không ký mua.
Hồi tháng 6, Bộ Tài chính đã kết luận thanh tra 4 công ty bảo hiểm có bán bảo hiểm qua ngân hàng gồm Prudential, Sun Life, MB Ageas và BIDV Metlife và phát hiện nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới.
Bảo hiểm  - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.09.2023
Bộ Tài chính muốn nâng gấp đôi mức phạt với hành vi vi phạm bảo hiểm nhân thọ
Theo Bộ Tài chính, các sai phạm phổ biến nhất của cả 4 doanh nghiệp bảo hiểm Prudential, Sun Life, MB Ageas và BIDV Metlife là không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; Cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng máy tính bảng, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin; Không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…
Thế nhưng, dù vướng nhiều vi phạm bị cơ quan quản lý chỉ ra, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm đều thu lợi nhuận rất lớn do số lượng hợp đồng bảo hiểm ký được tăng lên mạnh.
Chẳng hạn, lợi nhuận năm 2022 của Prudential đạt 3.636 tỷ đồng (gấp 6 lần năm 2021), BIDV Metlife đạt 85,2 tỷ đồng (gấp đôi năm 2021).
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2022 có khoảng 3.000 đại lý bảo hiểm vi phạm quy định về bán bảo hiểm. Đáng nói, dù có nhiều vi phạm như trên nhưng số tiền xử phạt sai phạm "nhỏ giọt". Luỹ kế từ năm 2013 tới nay, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã xử phạt 29 doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm với tổng số tiền phạt 2,95 tỷ đồng.
Như Sputnik đưa tin, để xử lý các vi phạm trong kinh doanh bảo hiểm, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP, Nghị định số 48/2018/NĐ-CP, Nghị định số 80/2019/NĐ-CP, Nghị định số 102/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số, Bộ Tài chính đề xuất tăng mức xử phạt nhiều vi phạm.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất tăng gấp đôi mức xử phạt, lên 90-100 triệu đồng khi doanh nghiệp vướng sai phạm như: có tài liệu giới thiệu sản phẩm với thông tin không trung thực, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm; triển khai sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe không theo quy định. Doanh nghiệp bị phát hiện vi phạm quy định sản phẩm bảo hiểm, hoa hồng bảo hiểm sẽ bị phạt 60-70 triệu đồng.
 Ngân hàng MB - Sputnik Việt Nam, 1920, 15.08.2023
Nhân viên MBBank bị tố lừa khách mua bảo hiểm 82 năm “Kiến tạo tương lai” MB Ageas Life

"Phạt 100 triệu không đủ răn đe"

Đánh giá về động thái mới nhất của cơ quan quản lý, TS. Trần Nguyên Đán, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhận xét thẳng thắn rằng, mức xử phạt dù nâng lên tối đa là 100 triệu đồng vẫn chưa đủ để răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm của công ty bảo hiểm.
Ông Đán phân tích, với các hành vi như tư vấn không đầy đủ về trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ, khiến khách hàng hiểu lầm bản chất của bảo hiểm cần xử phạt nặng hơn nữa. Chuyên gia chỉ rõ, doanh thu từ hoạt động bảo hiểm của doanh nghiệp lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
"Mức phạt 100 triệu đồng quá thấp, có thể xảy ra tình trạng, doanh nghiệp bất chấp, sẵn sàng vi phạm, nộp phạt. Sau xử phạt, cơ quan chức năng cần thanh tra, giám sát quá trình thực hiện của doanh nghiệp bảo hiểm", - TS. Trần Nguyên Đán nhấn mạnh.
Đồng tình, TS Phan Phương Nam, trường Đại học Luật TP.HCM cho biết, mức xử phạt vi phạm 100 triệu đồng thực sự chưa đủ răn đe. Chuyên gia đề nghị, cơ quan chức năng cần thêm hình thức xử phạt như thu hồi chứng chỉ đại lý bảo hiểm, đặc biệt là tước giấy phép doanh nghiệp vi phạm.
"Đặc biệt, sau khi xử lý, cơ quan chức năng cần công khai doanh nghiệp, đại lý có vi phạm để răn đe, tránh lặp lại những lỗi tương tự", - TS. Phan Phương Nam nêu kiến nghị.
TS. Trần Nguyên Đán cũng đề nghị, cần có thêm quy định về vai trò giám sát của Bộ Tài chính đối với kênh đại lý bảo hiểm là ngân hàng, tổ chức tài chính. Lĩnh vực bảo hiểm thuộc quản lý của Bộ Tài chính nên mọi đối tượng tham gia thị trường bảo hiểm đều có thể bị thanh tra quá trình thực hiện, để bảo vệ khách hàng.
Theo một lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) trả lời báo Tiền phong cho biết, ngoài xử phạt hành chính, doanh nghiệp bảo hiểm vi phạm sẽ chịu hình phạt bổ sung như bị tước quyền sử dụng chứng chỉ đại lý bảo hiểm, đình chỉ hoạt động đại lý bảo hiểm.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, các vi phạm của kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng chủ yếu xảy ra tại ngân hàng. Nhưng Luật Bảo hiểm quy định, Bộ Tài chính quản lý lĩnh vực bảo hiểm qua doanh nghiệp bảo hiểm.
"Nếu không có sự đồng hành của ngành ngân hàng, sẽ rất khó kiểm soát việc người bán bảo hiểm "ép" khách mua bảo hiểm và biến tướng của kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng", - vị lãnh đạo chia sẻ vướng mắc hiện nay.
Năm 2023, Bộ Tài chính đã thanh tra, kiểm tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm. Đến nay, Bộ Tài chính đã khảo sát, thu thập thông tin và thanh tra 3 công ty bảo hiểm nhân thọ và sắp tới sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала