Nước cờ đầy bất ngờ của Ngân hàng Nhà nước

© TTXVN - Bùi Doãn TấnThống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu - Sputnik Việt Nam, 1920, 22.09.2023
Đăng ký
Giới quan sát đang chờ hiệu quả tác động từ "nước cờ" mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt quyết định giải pháp được Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cùng ban lãnh đạo NHNN áp dụng để hạ nhiệt tỷ giá, điều hành lãi suất.
Giới chuyên gia phân tích, động thái của Ngân hàng Nhà nước khi phát hành gần 10.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày sẽ giúp giảm áp lực lên tỷ giá trong thời gian tới.

NHNN phát hành gần 10.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày

Căn cứ thông báo của Ban điều hành nghiệp vụ Thị trường mở, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước thông báo về việc bán tín phiếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua phương thức đấu thầu lãi suất vào ngày 21/09/2023.
Như vậy, sau khoảng 15 tuần không phát sinh nghiệp vụ trên thị trường mở, ngày 21/9, Ngân hàng Nhà nước đã bất ngờ quyết định hút gần 10.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống thông qua kênh tín phiếu.
Ngân hàng Nhà nước đã chào thầu tín phiếu kỳ hạn 28 ngày với 9.995 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất ở mức 0,69%/năm.
Thời gian ghi nhận đơn dự thầu vào lúc 13 giờ 45 ngày 21/9 và đóng thầu vào lúc 15 giờ 00 cùng ngày. Phương thức thanh toán lãi là một lần đầu kỳ. Ngày đến hạn thanh toán của lô tín phiếu trên là 19/10/2023.
Mức lãi suất trúng thầu tín phiếu hiện đang cao hơn lãi suất bình quân liên ngân hàng (đạt 0,15%/năm vào ngày 19/9).
Các chuyên gia kinh tế - tài chính nhận định, động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước được xem là phù hợp trong bối cảnh thanh khoản hệ thống đang dư thừa. Việc này cũng được kỳ vọng sẽ giảm áp lực lên tỷ giá trong thời gian tới.
Trên thị trường, nhóm Big 4 gồm bốn ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước là BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank đều đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 0,2-0,3% xuống mức thấp nhất là 3,5% và cao nhất là 5,5%/năm. Đây cũng là mức thấp lịch sử ghi nhận trong giai đoạn Covid-19 tới nay.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 20.09.2023
Dòng vốn có thể rời Việt Nam khi ‘đũa thần’ của Ngân hàng Nhà nước hết tác dụng

Lý giải nước cờ mới của NHNN

Số liệu mới công bố của NHNN cũng cho thấy tín dụng tại thị trường Việt Nam vẫn đang tăng trưởng rất chậm, tính đến 15/9 mới chỉ đạt 5,56% (trong khi định hướng cả năm khoảng 14-15%) và chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức 5,33% đến cuối tháng 8.
Phát biểu trước đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định Ngân hàng Nhà nước đang theo dõi rất sát tỷ giá để có thể điều hành phù hợp.
Về phần mình, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho rằng nếu lãi suất giảm thấp thì khả năng tỷ giá sẽ lại bùng lên, cần phải tìm được điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá.
Có thể thấy, việc NHNN sử dụng lại nghiệp vụ bán kỳ hạn sau hơn 6 tháng tạm ngưng (từ 10/3) được kỳ vọng giảm bớt sự dư thừa thanh khoản hệ thống và tạo ra áp lực làm tăng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.
Đương nhiên, điều này sẽ tác động tích cực đến tỷ giá, vốn đang chịu áp lực lớn do sự trái ngược trong chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Việt Nam.
Như đã thấy, các quyết định ngược chiều chính sách tiền tệ của Fed từ đầu năm đến nay góp phần làm gia tăng chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ. Điều này được giới phân tích cảnh báo nhiều lần, nguy cơ làm gia tăng áp lực lên tỷ giá.
Fed vừa kết thúc cuộc họp tháng 9 và quyết định giữ nguyên lãi suất trong phạm vi 5,25 - 5,5%, mức cao nhất trong 22 năm trở lại đây.
Các chuyên gia đánh giá, đây là tín hiệu tốt với Việt Nam tuy nhiên Fed vẫn kỳ vọng sẽ có thêm một đợt tăng nữa vào cuối năm nay, do đó, áp lực với VND vẫn hiện hữu.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam trả lời Doanh nghiệp và Kinh doanh, chuyên trang của tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam cho biết tăng lãi suất, bán USD hoặc hút tiền đồng về là ba giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc sử dụng để hạ nhiệt tỷ giá.
Năm ngoái vào giai đoạn tỷ giá tăng cao liên tục, NHNN đã có những biện pháp như hạ tỷ giá trung tâm, sau đó phát hành giấy tờ có giá ngắn hạn để hút tiền về.
Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, ở thời điểm hiện tại, công cụ tăng lãi suất sẽ không được sử dụng do Ngân hàng Nhà nước vẫn đang trong xu hướng nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.
Nhà điều hành cũng không muốn bán USD ra do muốn bảo toàn dự trữ ngoại hối. Do đó, trong bối cảnh hiện tại, hút bớt tiền đồng thông qua kênh tín phiếu được ưu tiên lựa chọn.
"Động thái hút bớt tiền đồng này sẽ phần nào giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa VND và USD, lãi suất liên ngân hàng VND sẽ được nâng lên, từ đó hạ nhiệt vấn đề tỷ giá và giúp NHNN có thêm dư địa điều hành trong trung hạn", - Giám đốc Phân tích khối Khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta nêu rõ.
Tuy nhiên, chuyên gia lưu ý, với khả năng Fed có thể tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11 hoặc tháng 12 tới, đồng USD sẽ tiếp tục mạnh lên.
"Do đó, khó có thể kỳ vọng tỷ giá sẽ quay đầu giảm trong bối cảnh hiện tại, tuy nhiên nhà điều hành sẽ có các biện pháp điều tiết để tỷ giá biến động trong vùng kiểm soát", - ông Nguyễn Thế Minh nhận định.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.09.2023
Ngân hàng SCB bị kiểm soát đặc biệt ảnh hưởng thị trường tiền tệ, VND mất giá gần 2%

Tỷ giá khó tăng nóng như cuối 2022

Thống kê của nhóm phân tích BIDV Treasury cho thấy, sau khoảng 1 tuần đầu tháng 9 giằng co quanh vùng 24.050-24.100, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục chịu áp lực tăng mạnh thêm khoảng 300 điểm lên quanh vùng 24.400 (tăng 1,2%).
Như vậy, tính từ đầu năm, VND đã giảm khoảng 3,7% so với USD. Mức giảm này tương đương với một số đồng tiền khác như THB (-3,8%), TWD (-4,5%); tuy nhiên vẫn thấp hơn một số đồng tiền như JPY (-11%), MYR (-6,5%), CNY (-5,7%), KRW (-4,8%).
Theo các chuyên gia của BIDV từ đầu tháng 9 có nhiều yếu tố tác động gây bất lợi cho tỷ giá. Thứ nhất, áp lực từ thị trường quốc tế tiếp tục gia tăng khi chỉ số USD Index (DXY) tiếp tục tăng khoảng 1,7% lên trên mốc 105, mức cao nhất trong 6 tháng qua. Như vậy, chỉ trong hai tháng gần đây chỉ số USD Index đã tăng tới 5,5%.
Đà tăng của DXY lần này bền vững hơn một số đợt tăng khác trong tháng 2 và 3 do triển vọng kinh tế Mỹ hạ cánh mềm và thoát khỏi cuộc suy thoái trong giai đoạn tới đang trở nên sáng sủa hơn. Ngoài ra một số nền kinh tế đối trọng với Mỹ là EU và Trung Quốc đang đối mặt với khó khăn với những câu chuyện riêng. Chẳng hạn như EU là vấn đề giá cả hàng hóa leo thang khiến cán cân thương mại thâm hụt sâu hơn hay Trung Quốc là câu chuyện về thị trường bất động sản.
Yếu tố bất lợi thứ hai là cân đối cung cầu trong nước ở mức thặng dư nhẹ khoảng 200 triệu USD sau khi deal bán vốn của VPBank đã hoàn tất. Tuy nhiên, thị trường cũng phát sinh một vài nhu cầu giao dịch lớn của Kho bạc Nhà nước và nhu cầu nhập khẩu xăng dầu tăng cao (do nhà máy Nghi Sơn tạm dừng hoạt động trong 2 tháng) trong thời gian gần đây.
Ngoài ra chênh lệch lãi suất VND-USD tiếp tục âm sâu kéo dài, làm gia tăng tình trạng găm giữ ngoại tệ. Tâm lý thị trường tiếp tục chuyển dịch xấu hơn khi môi trường quốc tế kém thuận lợi và tỷ giá trong nước tăng nhanh, theo các chuyên gia của BIDV.
Trong bối cảnh tỷ giá bật tăng trở lại gây ra nhiều lo ngại, ông Trần Ngọc Báu, CEO của WiGroup nhận định, tỷ giá tăng nằm trong dự liệu của NHNN và khả năng tăng nóng như cuối năm 2022 sẽ không xảy ra.
Ông Báu phân tích, bối cảnh hiện tại hoàn toàn khác với cuối năm 2022, khi đó USD rút ra thực sự do lo sợ sự đổ vỡ mang tính dây chuyền.
"Hiện tại hệ thống ngân hàng ổn định hơn rất nhiều, không có tình trạng rút vốn. Hơn nữa, cán cân vãng lai hiện tương đối mạnh", - CEO của WiGroup khẳng định.
Ông Báu nói thêm, dự báo cán cân tổng thể năm nay sẽ thặng dư nhẹ. Trong khi đó hồi cuối năm 2022, cán cân vãng lai tương đối yếu do xuất khẩu dịch vụ chưa phục hồi được, xuất khẩu hàng hóa thặng dư yếu.
Liên quan đến vấn đề chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ, chuyên gia cho rằng, bối cảnh cũng khác nhau hoàn toàn khi năm ngoái Fed đang tăng lãi suất mạnh, còn giai đoạn hiện tại Fed đang đi đến chặng cuối cùng của chu kỳ tăng lãi suất.
Ngân hàng Vietcombank - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.09.2023
Một loạt ngân hàng giảm lãi suất huy động xuống mức thấp lịch sử

NHNN khó có thêm đợt hạ lãi suất mới?

Trong báo cáo mới công bố, VNDirect cho rằng, chỉ số DXY tăng đã gây áp lực lên VND khi tỷ giá USD/VND liên ngân hàng leo lên mức 24.147 vào ngày 13/09/2023 (+1,9% so với cuối tháng 7 và +2,2% so với đầu năm).
Áp lực càng gia tăng bởi Trung Quốc nới lỏng tiền tệ gây áp lực lên đồng NDT và trong quá khứ VND có tương quan cao với đồng NDT; áp lực lạm phát trong nước tăng lên trong những tháng cuối năm 2023.
Theo các chuyên gia của VNDirect, tỷ giá tăng sẽ làm tăng nghĩa vụ nợ (đặc biệt là đối với khu vực tư nhân). Tỷ giá tăng cũng làm tăng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và hàng tiêu dùng nhập khẩu, từ đó gia tăng áp lực lên lạm phát trong nước. Vì vậy, khi áp lực từ tỷ giá càng lớn, thì càng ít dư địa cho NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành.
"Chúng tôi tin rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tạm dừng hạ lãi suất điều hành ít nhất cho đến nửa đầu năm 2024 vì Ngân hàng Nhà nước cần cân bằng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng trong bối cảnh áp lực tỷ giá và lạm phát gia tăng", - VNDirect dự báo.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала