Tỷ giá USD tăng dữ dội, Thống đốc bắt đầu mạnh tay

© Sputnik / Vladimir TrefilovTiền giấy đô la Mỹ
Tiền giấy đô la Mỹ - Sputnik Việt Nam, 1920, 26.09.2023
Đăng ký
Trong phiên sáng 26/9, tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá bán ra USD đã vượt mốc 24.600 đồng. Tỷ giá chợ đen cũng tăng tương tự, giá bán ra tăng 100 đồng chỉ trong một ngày.
Thời gian qua, các biện pháp khác của NHNN đã giúp ổn định tâm lý thị trường, hạn chế áp lực biến động bất thường, quá mức đối với tỷ giá thị trường, nhờ vậy ổn định thị trường ngoại tệ và ổn định kinh tế vĩ mô.

Tỷ giá USD vượt mốc 24.600 đồng

Ở phiên giao dịch ngày 26/9, tỷ giá USD niêm yết tại các ngân hàng tăng mạnh, vượt mốc 24.600 đồng.
Thời điểm 11h15 ngày 26/9, tỷ giá bán USD tại nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã ở trên mức 24.600 USD. Những ngân hàng còn lại cũng ở sát mốc này.
Tại Vietcombank, tỷ giá mua và bán ra đều tăng thêm 90 đồng, lần lượt lên mức 24.240 VND/USD và 24.610 VND/USD. Tại nhiều nhà băng khác, tỷ giá mua vào tăng từ 70 đến 88 đồng, còn tỷ giá bán ra tăng từ 63 đến 88 đồng.
BIDV hiện mua vào USD với mức giá cao nhất, đạt 24.280 VND/USD. Đây cũng là ngân hàng bán ra USD rẻ nhất, ở mức 24.580 VND/USD.
Thị trường chợ đen, đồng đô la Mỹ được giao dịch với giá mua vào - bán ra là 24.350 VND/USD và 24.450 VND/USD, tăng lần lượt 70 và 100 đồng so với hôm qua. Giá mua vào trên chợ đen vào hôm nay bằng giá bán ra của ngày hôm qua.
Những người đang đi xe máy qua trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở trung tâm thành phố Hà Nội - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.06.2023
Dự báo đồng USD suy yếu, Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc một chế độ tỷ giá mới
Tỷ giá trung tâm đạt mức 24.084 VND/USD, tăng 8 đồng so với mức niêm yết vào hôm qua. Áp dụng biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các NHTM được phép giao dịch là từ 22.880 - 25.288 VND/USD. Tỷ giá bán được Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng 9 đồng, qua đó làm tăng phạm vi mua bán lên 23.400 - 25.238 VND/USD.
Theo MBS, tỷ giá có thể dao động trong khoảng 24.300 - 24.500 VND/USD trong những tháng cuối năm, với giả định Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản nữa trong tháng 11/2023.
Các chuyên gia của MBS nhận định, một vài yếu tố vĩ mô tích cực như: dòng vốn FDI giải ngân tăng mạnh trong tháng 8 (tăng 24% so với cùng kỳ), lũy kế 8 tháng đầu năm 13 tỷ USD (tăng 1,3% so với cùng kỳ); thặng dư thương mại 8 tháng năm 2023 khoảng 20,1 tỷ USD,… sẽ giúp “trung hòa” áp lực tăng giá tỷ giá cuối năm.
Thời gian gần đây, NHNN đã liên tục hút tiền qua kênh tín phiếu. Trong 3 phiên giao dịch gần nhất, NHNN đã hút gần 30.000 tỷ đồng bằng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày.
Trong bối cảnh thanh khoản dư thừa, động thái này của NHNN có thể giúp lãi suất liên ngân hàng nhích lên và hỗ trợ cho tỷ giá. Tuy nhiên, việc phát hành tín phiếu được cho là sẽ không có ảnh hưởng quá lớn tới tỷ giá.

NHNN bắt đầu mạnh tay

Sau nửa đầu năm khá ổn định, tỷ giá USD/VND đã có những biến động khá mạnh trong quý 3/2023.
Chỉ trong 3 tháng qua, giá USD tại ngân hàng đã tăng 800 đồng, tương đương 3,3%. Sự trái ngược trong chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Việt Nam đã tạo áp lực lên tỷ giá những tháng gần đây.
Đầu năm đến nay, NHNN Việt Nam đã hạ lãi suất 4 lần, tổng cộng từ 1,25 điểm % đến 1,5 điểm %. Cùng thời gian đó, Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed thắt chặt thêm 4 lần, nâng lãi suất thêm 1 điểm %. Khi Fed bộc lộ quan điểm "diều hâu" hơn sau cuộc họp mới đây, NHNN cũng cho mở lại kênh hút tiền qua kênh tín phiếu sau hơn 6 tháng tạm ngưng.
Trong 2 phiên giao dịch 21/9, 22/9, 25/9 và 26/9 NHNN đã hút ròng gần 50.000 tỷ ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu. Giới tài chính đánh giá đây là tín hiệu rất rõ ràng về việc NHNN sẵn sàng sử dụng các công cụ để điều tiết vĩ mô, đặc biệt là tỷ giá.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, thời gian qua, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đều đồng loạt tăng lãi suất điều hành để chống lạm phát, do đó các đồng tiền trên thế giới đã lên giá tương đối lớn. Mỹ có tỷ lệ lãi suất cao nhất trong 22 năm, đây là việc khó trong điều hành lãi suất vì Việt Nam đang giảm lãi suất ngân hàng, khiến làm sức ép tỷ giá hối đoái tăng lên.
Đồng Việt Nam và đô la Mỹ - Sputnik Việt Nam, 1920, 24.09.2023
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không bị bất ngờ
Năm 2022, tỷ giá "nổi sóng" trong quý 3 khi giá USD tại các ngân hàng lập đỉnh, lên sát 24.900 đồng/USD. Tỷ giá ngân hàng có lúc tăng lên gần 8,5% so với đầu năm, trước khi hạ nhiệt vào cuối năm. Đợt tăng nóng của tỷ giá năm ngoái xảy ra sau khi NHNN “bật đèn xanh” cho việc nới biên độ tỷ giá giao ngay thêm 2%, trước diễn biến quốc tế khó lường, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên thế giới có xu hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
Với việc đồng USD tăng lên trong thời gian qua, các tổ chức tài chính nhận định, có nguyên do từ tình hình lạm phát tăng trong ngắn hạn. Dù vậy, triển vọng trung và dài hạn của USD vẫn là xu hướng giảm, đà tăng lãi suất liên tục từ năm 2022 đang dần đạt đỉnh, sau đó có thể đi ngang hoặc giảm. Chính sách tiền tệ có thể được nới lỏng khi lạm phát dần hạ nhiệt.

Những tính toán mới

Theo ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty nghiên cứu và tư vấn kinh tế Economica Việt Nam, Việt Nam đang cố gắng giảm lãi suất, trong khi Cục dự trữ liên bang Mỹ lại đang tăng lãi suất cơ bản, dẫn đến áp lực đối với VND là rất lớn. Một mặt Mỹ giữ lãi suất cao, Việt Nam cũng không thể đưa lãi suất xuống quá thấp, bởi sẽ có áp lực rất lớn đối với tỷ giá hối đoái của VND.
“Trong những tuần vừa qua, áp lực tiền đồng bắt đầu gia tăng, áp lực tỷ giá hối đoái cũng gia tăng. Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, tỷ giá hối đoái tác động rất nhiều đến bài toán kinh doanh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, của nhà đầu tư khi ta nhận vốn đầu tư nước ngoài rất lớn, tỷ trọng ngoại thương trong nền kinh tế cũng rất lớn. Vì vậy, chúng ta cần tính toán để tỷ giá cũng cần ổn định”, - VOV dẫn lời ông Bình nói.
Theo đại diện NHNN, với cơ chế điều hành theo tỷ giá trung tâm của Việt Nam, tỷ giá trung tâm diễn biến trên cơ sở tham chiếu diễn biến của giỏ đồng tiền của các đối tác thương mại lớn với Việt Nam, trong đó có Trung Quốc.
Qua đó, tỷ giá trung tâm phản ánh được diễn biến thị trường quốc tế nói chung, bao gồm diễn biến căng thẳng thương mại quốc tế, diễn biến CNY và các đồng tiền khác.
Việc điều hành tỷ giá trung tâm phù hợp, can thiệp ngoại tệ linh hoạt, chủ động cùng với các biện pháp khác của NHNN đã giúp ổn định tâm lý thị trường, hạn chế áp lực biến động bất thường, quá mức đối với tỷ giá thị trường, nhờ vậy ổn định thị trường ngoại tệ và ổn định kinh tế vĩ mô.
Cảnh Hà Nội - Sputnik Việt Nam, 1920, 24.09.2023
Việt Nam cải thiện về tự do kinh tế
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - nhận định, Việt Nam đang duy trì tỷ giá tích cực hơn cả các nước xung quanh. NHNN sẽ cố gắng duy trì sự ổn định của tỷ giá, đảm bảo hài hòa cho chính sách xuất khẩu cũng như nhập khẩu, nhất là thu hút FDI vào Việt Nam.
Có ý kiến cảnh báo, thời gian tới, NHNN sẽ làm đồng thời cả 2 nhiệm vụ, thứ nhất là hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá của các ngân hàng thương mại trong ngắn hạn. Lượng hút sẽ ở mức vừa đủ để cân bằng tỷ giá bước đầu và không gây căng thẳng thanh khoản liên ngân hàng.
Đồng thời, tiếp tục đưa ra các chính sách giúp lãi suất thị trường 1 giảm và tín dụng khơi thông. Động thái này của NHNN có thể kéo dài đến cuối năm, trước khi có những dấu hiệu mới đối với nền kinh tế.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала