Dân ồ ạt gửi tiền ngân hàng, Vietcombank châm ngòi cuộc đua hạ lãi suất mới

© Sputnik / Taras IvanovNgân hàng Vietcombank
Ngân hàng Vietcombank - Sputnik Việt Nam, 1920, 26.10.2023
Đăng ký
Bất chấp lãi suất ngân hàng xuống mức thấp kỷ lục, tiền gửi tiết kiệm của người dân và các tổ chức kinh tế tại các nhà băng Việt Nam tiếp tục tăng cao.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 8, lượng tiền gửi của người dân tại hệ thống ngân hàng tiếp tục đạt mức cao nhất từ trước đến nay, đạt hơn 6,4 triệu tỷ đồng. Tổ chức kinh tế cũng gửi tiền vào ngân hàng nhiều bất ngờ khi đạt hơn 6 triệu tỷ đồng.
Hiện lãi suất ngân hàng đã tiếp tục giảm thêm từ 0,47 điểm % tới 0,62 điểm % tại từng nhóm ngân hàng, tuỳ từng kỳ hạn gửi. Đến 25/10, lãi suất huy động cao nhất của nhóm Big 4 các ngân hàng thương mại vốn Nhà nước kỳ hạn 12 tháng niêm yết mức 5,25%/năm, cao nhất trên 12 tháng lãi suất là 5,3%.

Tiền gửi ồ ạt đổ vào ngân hàng

Dữ liệu mới được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cập nhật ngày 26/10 cho thấy dòng tiền nhàn rỗi của người dân tiếp tục chảy vào ngân hàng bất chấp lãi suất liên tục được điều chỉnh giảm chạm đáy.
Đến cuối tháng 8/2023, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đạt hơn 12,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 147.000 tỷ đồng so với cuối tháng Bảy và tăng hơn 627.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022.
Tăng trưởng huy động tiền gửi của hệ thống trong Tám tháng đầu năm đạt 5,31%.
Theo NHNN, trong tháng 8, người dân gửi thêm vào hệ thống ngân hàng khoảng 43.723 tỷ đồng.
Mức tăng này cải thiện đáng kể so với mức 6.700 tỷ đồng tháng 7 liền trước hay mức 35.300 tỷ đồng của tháng 6 và 14.700 tỷ đồng của tháng 5.
Tính chung 8 tháng, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,43 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 9,68% so với đầu năm. Đáng chú ý, đây cũng là mức cao nhất từ trước tới nay.
Lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp vào hệ thống ngân hàng cũng cải thiện đáng kể khi có thêm 103.501 tỷ đồng trong một tháng.
Tháng 7 liền trước, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng giảm hơn 74.000 tỷ đồng so với tháng 6.
Tính đến hết tháng 8, tiền gửi của các tổ chức ở mức 6,013 triệu tỷ đồng, tăng hơn 1% so với cuối năm ngoái.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. - Sputnik Việt Nam, 1920, 15.10.2023
Rất nhanh, Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất 150 điểm cơ bản

Động thái đáng chú ý của Vietcombank

Ở chiều ngược lại, số liệu cho vay của các ngân hàng theo công bố mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến hết tháng 9, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 7%.
Dự báo từ nay đến cuối năm, tín dụng sẽ có khả năng tăng lên do các bộ, ngành tích cực trong xúc tiến thương mại, tăng khả năng xuất khẩu cũng như tháo gỡ những vấn đề pháp lý của các dự án, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN.
Có thể thấy, lượng tiền gửi của người dân và các tổ chức kinh tế tăng kỷ lục bất chấp lãi suất tiết kiệm liên tục giảm từ đầu năm đến nay.
Trong tháng 8, thực tế, không nhiều ngân hàng sẵn sàng trả lãi suất 7%/năm cho khoản tiền gửi 12 tháng. Đà giảm lãi suất từ tháng 4 khiến lãi suất hiện đã xuống đáy, thấp hơn cả giai đoạn dịch COVID-19.
Đáng nói, hiện lãi suất vẫn tiếp tục giảm sâu, nhóm ngân hàng có vốn nhà nước niêm yết mức lãi suất thấp nhất thị trường. Trong đó, Vietcombank đầu tuần này vừa “châm ngòi” cho một cuộc đua hạ lãi suất mới khi tiếp tục giảm thêm 0,2%, còn 5,1%/năm áp dụng với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Ba ngân hàng có vốn nhà nước (Big 4) là Agribank, VietinBank, BIDV vẫn giữ ổn định lãi suất huy động.
Cụ thể, mức huy động cao nhất trong nhóm Big 4 hiện là 5,3%/năm cho kỳ hạn dài trên 12 tháng. Các kỳ hạn trên 6 tháng đến dưới 12 tháng, lãi suất tiền gửi là 4,3%/năm, kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng là 3-3,3%/năm.
Riêng tại các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lãi suất huy động cao nhất dao động quanh mức 5,3 - 5,7%/năm tùy theo ngân hàng và kỳ hạn gửi. Đến 25/10, tại các ngân hàng thương mại lớn kỳ hạn 12 tháng khoảng 5,28%, còn nhóm ngân hàng thương mại nhỏ ghi nhận lãi suất tiền gửi 5,63%.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.10.2023
Ngân hàng Nhà nước ‘nới tay’, nhà băng đua nhau ồ ạt hạ lãi suất

Ngân hàng thừa tiền, lãi suất có thể tiếp tục giảm

Tính đến ngày 11/10, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 6,29%, thấp hơn mức 6,92% vào cuối tháng Chín và thấp đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Cần lưu ý rằng, tiền gửi ngân hàng tăng lên trong khi tăng trưởng tín dụng vẫn chậm ì ạch gây ra tình trạng "thừa tiền" trong hệ thống ngân hàng Việt Nam và tạo áp lực lên tỷ giá USD/VND.
Dữ liệu của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho thấy, đến giữa tháng 10/2023, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại nhóm ngân hàng thương mại nhà nước là 5,3%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn (ACB, MBB, VPB, TCB) là 5,38%, còn nhóm ngân hàng thương mại khác là 5,7%.
Chứng khoán KB lưu ý, làn sóng giảm lãi suất huy động của các nhà băng vẫn chưa kết thúc bất chấp Ngân hàng Nhà nước liên tục hút tiền về để giảm dư thừa thanh khoản.
Cùng với đó, động thái phát hành tín phiếu gần đây của NHNN được giới phân tích nhận định ít có khả năng gây ra sự đảo ngược xu hướng giảm lãi suất huy động và cho vay hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng yếu.
Theo chuyên gia, lãi suất có thể sẽ tiếp tục giảm. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) dự báo xu hướng giảm lãi suất trong 2 tháng cuối năm vẫn có thể xảy ra nhưng mức độ giảm không mạnh như giai đoạn trước.
Nguyên nhân là bởi nhu cầu tín dụng khôi phục cuối năm do yếu tố mùa vụ. Thứ hai là lãi suất hiện nay so với mặt bằng các năm đang ở mức khá thấp, nếu tiếp tục giảm nữa sẽ chạm vào ngưỡng lạm phát.
Lãnh đạo OCB chia sẻ với VnBusiness cho rằng, về nguyên tắc lãi suất phải thực dương, nghĩa là lãi suất huy động phải cao hơn mức lạm phát, vì vậy dự báo lãi suất sẽ đi ngang hoặc nếu giảm sẽ rất nhẹ.
Đánh giá về động thái giảm lãi suất huy động mới đây của Vietcombank chuyên gia lưu ý, các ngân hàng quốc doanh có những tác động nhất định, riêng với OCB sẽ tuỳ thuộc vào diễn biến thị trường, sẽ quan sát để điều chỉnh phù hợp.
Ông Nguyễn Quang Thuân hiện là Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty cổ phẩn FiinGroup - Sputnik Việt Nam, 1920, 23.09.2023
Việt Nam: Lãi suất trái phiếu bất động sản cao kỷ lục, ngân hàng là trái chủ lớn nhất

Nhóm Big 4 đã tiên phong, các ngân hàng khác chủ động giảm lãi suất cho vay

Về lãi suất cho vay, phát biểu tại Đắk Lắk mới đây, như Sputnik thông tin, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhắc nhở các ngân hàng thương mại phải tính toán để hạ mặt bằng lãi suất cho vay chứ không thể khư khư giữ lãi suất cao vì sẽ "không ai chơi" trong bối cảnh thị trường ngày càng công khai, minh bạch về giá cả, lãi suất.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, ngoài việc thực hiện chủ trương giảm lãi suất của Chính phủ thì việc giảm lãi suất còn là yêu cầu bắt buộc để ngân hàng cạnh tranh lẫn nhau. Ngân hàng nào cố tình duy trì lãi suất cho vay cao sẽ bị doanh nghiệp "nghỉ chơi".
Đại diện NHNN dẫn chứng, hiện cả nước có hơn 100 ngân hàng lớn nhỏ, chưa kể các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, quỹ tín dụng nhân dân… Không có cớ gì mà doanh nghiệp phải phụ thuộc vào một ngân hàng. Đây là quyền lựa chọn của người đi vay theo cơ chế thị trường.

"Nếu không có doanh nghiệp thì ngân hàng sống với ai? Ngân hàng cần doanh nghiệp. Doanh nghiệp khỏe, làm có lãi thì mới trả nợ được cho ngân hàng. Thế nên cần phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp", - Phó Thống đốc nhắc nhở nếu ngân hàng chỉ nhìn vào việc đạt chỉ tiêu lợi nhuận mà không chịu hạ lãi suất thì không ổn.

Hiện nhóm Big 4 đã tiên phong hạ sâu lãi suất, do đó, Phó Thống đốc yêu cầu các ngân hàng tiếp tục chủ động giảm lãi suất cho vay, nhất là với các khoản vay cũ.
Về điều hành lãi suất thời gian tới, Phó Thống đốc khẳng định, NHNN sẽ điều hành theo hướng ổn định, hạ thêm nữa khi có điều kiện, kể cả lãi suất điều hành cũng có thể giảm thêm nếu điều kiện phù hợp.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала