Mỹ xem xét công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam: Hoa Kỳ có 6 tiêu chí

© TTXVN - Nguyễn Vũ Thành ĐạtTây Ninh: Công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế
Tây Ninh: Công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế - Sputnik Việt Nam, 1920, 13.11.2023
Đăng ký
Bộ Thương mại Mỹ đã chính thức khởi xướng rà soát thay đổi hoàn cảnh để công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương.
Đánh giá đây là một động thái tích cực, thiện chí từ phía bạn, tuy nhiên, ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương Mại (Bộ Công Thương) nói với Vietnamnet cho biết, để xem xét vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam cần tuân theo các quy định pháp luật của Mỹ với 6 tiêu chí liên quan.

Mỹ xem xét công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam

Theo tạp chí Công Thương dẫn thông tin từ Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), ngày 8/9/2023, Mỹ đã nhận được yêu cầu chính thức của Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường. Phía Mỹ sẽ khẩn trương xem xét yêu cầu này của Việt Nam theo luật định.
Tại Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện ngày 10-11/9/2023 nêu:
"Hoa Kỳ hoan nghênh những bước tiến trong quá trình cải cách kinh tế dựa trên thị trường có ý nghĩa quan trọng của Việt Nam, đồng thời khẳng định sự nhiệt tình và cam kết đối với quá trình phối hợp rộng rãi, mạnh mẽ, mang tính xây dựng và trên tinh thần ủng hộ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và tiến tới công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam theo luật Hoa Kỳ".
Cuối tháng 10, Mỹ đăng công báo về việc nước này khởi xướng rà soát thay đổi hoàn cảnh để xem xét vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam. Đến nay, đã có 72 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, bao gồm cả những nền kinh tế lớn như: Canada, Australia, Nhật Bản…
Bộ Công Thương cho biết, gần đây nhất, trong khuôn khổ Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Vương quốc Anh đã có Thư chính thức của Vương quốc Anh công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, trong đó công nhận các ngành sản xuất của Việt Nam hoạt động theo các điều kiện kinh tế thị trường. Trên cơ sở đó, Vương quốc Anh sẽ không áp dụng các quy định bất lợi đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong trường hợp tiến hành điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại.
Thông tin thêm về tiến trình Mỹ khởi xướng rà soát thay đổi hoàn cảnh để công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương Mại (Bộ Công Thương) chia sẻ với Vietnamnet cho biết, ngày 8/9/2023, Bộ Công Thương đã nộp hồ sơ đề nghị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) khởi xướng rà soát thay đổi hoàn cảnh (CCR) để công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong khuôn khổ vụ việc rà soát hành chính lần thứ nhất thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với mật ong lên Cổng thông tin điện tử về phòng vệ thương mại (PVTM) của Mỹ (ACCESS).
Cục trưởng Trịnh Anh Tuấn cho biết, theo quy định của Mỹ, DOC có 45 ngày để xem xét khởi xướng rà soát thay đổi hoàn cảnh (CCR).
Ngày 23/10/2023, DOC đã chính thức khởi xướng CCR để xem xét lại vấn đề kinh tế thị trường cho Việt Nam. Theo đó, trừ khi được gia hạn, các bên liên quan sẽ có 30 ngày kể từ ngày đăng thông tin tại Công báo Liên bang (ngày 30/10) để nộp ý kiến bình luận (thời hạn đến ngày 29/11/2023) và 14 ngày tiếp theo để nộp ý kiến phản biện (thời hạn đến 13/12/2023).
Theo quy trình thủ tục của vụ việc CCR, trừ khi gia hạn vụ việc, DOC sẽ có 270 ngày kể từ ngày khởi xướng để hoàn thành cuộc rà soát này và ban hành kết luận cuối cùng (dự kiến đến ngày 26/7/2024).
đô la Mỹ - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.11.2023
Quan trọng là Mỹ công nhận Việt Nam điều hành tiền tệ linh hoạt

6 tiêu chí

Đánh giá về động thái của Mỹ, ông Tuấn khẳng định với Vietnamnet rằng, việc Mỹ khởi xướng rà soát thay đổi hoàn cảnh để xem xét vấn đề kinh tế thị trường cho Việt Nam được xem là "một động thái tích cực, thiện chí từ phía bạn".
Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương nhắc lại, kinh tế thị trường là một trong những vấn đề quan trọng mà hai quốc gia đang quan tâm và đã được đưa vào Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ.
Tuy vậy, theo ông Tuấn, để xem xét vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam cần tuân theo các quy định pháp luật của Mỹ.
"Quá trình này đòi hỏi sự tham gia của Chính phủ Việt Nam, các tổ chức, cá nhân, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp liên quan và cần tuân thủ theo đúng thời hạn mà Mỹ đề ra. Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tham gia quy trình điều tra của Mỹ", - ông Trịnh Anh Tuấn thông tin.
Ông Tuấn nêu cụ thể, theo quy định của Mỹ, để công nhận một quốc gia có nền kinh tế thị trường là một quy trình xem xét chặt chẽ 6 tiêu chí theo quy định pháp luật về kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh của quốc gia đó.
Trong đó bao gồm: Mức độ chuyển đổi của đồng tiền; Vấn đề đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; Các yếu tố khác.
Đại diện Bộ Công Thương lưu ý, Việt Nam hiện có một số thuận lợi, đặc biệt là sự công nhận của nhiều quốc gia về nền kinh tế của Việt Nam và sự hội nhập tích cực vào các hiệp định thương mại tự do song phương cũng như đa phương.

"Hiện có 72 quốc gia công nhận Việt Nam hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường, trong đó có Vương quốc Anh, Canada, Úc, Nhật Bản. Việt Nam cũng đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, khoảng 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư", - ông Tuấn điểm lại.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ 2023 - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.11.2023
Kurt Campbell: Mỹ muốn giúp Việt Nam thành ‘con hổ mới’ của châu Á
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, tính đến tháng 8/2023, Việt Nam là thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do (FTAs) với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế, trong đó có 15 FTAs đã có hiệu lực và 1 FTA mới chính thức ký kết. Việt Nam đang đàm phán 3 FTAs khác.
Trong số này, có nhiều FTAs thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, đáp ứng các tiêu chuẩn cao về những lĩnh vực truyền thống như thương mại hàng hoá và dịch vụ, những lĩnh vực mới như lao động, môi trường, mua sắm chính phủ, minh bạch hoá, cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư, doanh nghiệp nhà nước.

Việt Nam hưởng lợi gì khi được công nhận là nền kinh tế thị trường?

Cục trưởng Trịnh Anh Tuấn cho biết, vấn đề kinh tế thị trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc các vụ việc phòng vệ thương mại.
Chia sẻ thêm về lợi ích khi Việt Nam được Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đang ngày càng gia tăng (với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 109,39 tỷ USD năm 2022), việc được công nhận vấn đề kinh tế thị trường có ý nghĩa rất lớn cho các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.
Việc này sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa của Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia khác khi mức thuế phòng vệ thương mại phản ánh đúng thực tiễn sản xuất tại Việt Nam.
Theo ông Tuấn, các vụ việc chống bán phá giá (CBPG), thì việc bị coi là nền kinh tế phi thị trường dẫn đến các nguyên tắc tính toán giá thông thường sẽ không được sử dụng, nước điều tra phòng vệ thương mại sẽ sử dụng nước thứ ba để tính toán giá thay thế khi tính biên độ phá giá, khiến cho biên độ phá giá thường rất cao, không phản ánh đúng thực tiễn sản xuất của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Kinh tế trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ - Sputnik Việt Nam, 1920, 26.10.2023
Đề nghị Mỹ hạn chế các biện pháp không cần thiết đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam
Điều này tạo ra bất lợi rất lớn đối với hàng hóa xuất khẩu khi không thể cạnh tranh với hàng hóa xuất khẩu từ quốc gia khác. Ví dụ, trong vụ việc điều tra CBPG với sản phẩm mật ong, biên độ phá giá cao Mỹ tính cho các doanh nghiệp Việt có mức thuế sơ bộ lên đến hơn 410% và cuối cùng lên tới 60%.
Trong các vụ việc Mỹ điều tra chống lẩn tránh thuế CBPG/chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, Mỹ có áp dụng phương pháp dành cho các quốc gia có nền kinh tế phi thị trường để tính chi phí sản xuất tại Việt Nam nhằm xác định quá trình lắp ráp hoặc hoàn thiện tại Việt Nam có đáng kể hay không.
Bên cạnh đó là quy định thuế suất toàn quốc gây cản trở việc dỡ bỏ lệnh áp thuế. Cụ thể, việc coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường cho phép DOC áp dụng thuế suất toàn quốc - là mức thuế dành cho các doanh nghiệp không hợp tác hoặc không chứng minh được họ không chịu sự kiểm soát của Chính phủ.
Thuế suất toàn quốc thường được tính toán dựa trên dữ liệu sẵn có nên bị đẩy lên rất cao, tương đương lệnh cấm và được duy trì trong tất cả các đợt rà soát, gây cản trở cho việc xem xét dỡ bỏ lệnh áp thuế.
Ngoài ra, việc thay đổi quốc gia làm giá trị thay thế cho Việt Nam khiến doanh nghiệp không chủ động, kiểm soát được mức thuế CBPG, thường nhận mức thuế cao.
Ông Tuấn dẫn chứng nhiều vụ việc như cá tra, basa hay tôm, Mỹ đã sử dụng giá trị thông thường của một số quốc gia như Bangladesh, Indonesia, Ấn Độ, Philippines làm giá trị thay thế khi tính biên độ bán phá giá cho Việt Nam. Với việc thường xuyên thay đổi quốc gia thay thế trong các đợt rà soát, doanh nghiệp cá tra, basa và tôm Việt Nam nhiều lần bị nhận mức thuế cao.

Chuẩn bị khẩn trương

Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, từ năm 2008, Việt Nam và Mỹ đã thành lập Nhóm công tác song phương về vấn đề kinh tế thị trường (Structural Issues Working Group - SIWG).
Hai bên cũng đã tổ chức 10 phiên họp kỹ thuật để trao đổi thông tin theo 6 tiêu chí của Mỹ, giúp Mỹ cập nhật về những tiến triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua.
ngành công nghiệp dệt may Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.09.2023
Động thái “quay xe” của Mỹ có thể thành đòn bẩy cho xuất khẩu Việt Nam
Những điều này, theo ông Trịnh Anh Tuấn, sẽ tạo tiền đề cho bạn có cơ sở nhìn nhận và xem xét lại vấn đề kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Cùng với đó, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước phân tích, tổng hợp thông tin theo đề nghị của DOC về sự thay đổi tích cực của nền kinh tế Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến mức độ mở cửa của nền kinh tế, chính sách thương mại, chính sách tiền tệ, đầu tư nước ngoài và những tiến bộ trong công tác hội nhập đáp ứng 6 tiêu chí của Mỹ về quốc gia có nền kinh tế thị trường.
"Để chủ động và có sự chuẩn bị tốt khi tham gia vào quy trình tố tụng rà soát thay đổi hoàn cảnh một vụ việc phòng vệ thương mại nhằm chứng minh chúng ta là nước có nền kinh tế thị trường, Bộ Công Thương cũng đã và đang xây dựng các lập luận phản hồi, giải thích, làm rõ hoặc phản bác lại ý kiến của các bên liên quan khác đối với vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam", - Cục trưởng Trịnh Anh Tuấn nêu rõ.
Theo ông Tuấn, công tác thúc đẩy Mỹ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường là nhiệm vụ hết sức khẩn trương và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Để triển khai công tác này một cách hệ thống, đồng bộ và toàn diện, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân liên quan.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 109,39 tỷ USD năm 2022, tăng 13,6% so với năm 2021 và chiếm tỷ trọng 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.
"Trong bối cảnh Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, việc được công nhận vấn đề kinh tế thị trường có ý nghĩa rất lớn cho các ngành sản xuất, xuất khẩu của ta", - tạp chí Công Thương dẫn lời ông Trịnh Anh Tuấn khẳng định.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала