Ông Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm đặc biệt tới Việt Nam

© AFP 2023 / Frederic J. Brown Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hội nghị thượng đỉnh APEC ở San Francisco
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hội nghị thượng đỉnh APEC ở San Francisco - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.12.2023
Đăng ký
Chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Tập Cận Bình có một ý nghĩa rất quan trọng, là dịp để Trung Quốc bày tỏ lập trường của mình đối với đường lối đối ngoại của Việt Nam.
Là dịp để Việt Nam không chỉ chứng minh tính đúng đắn của đường lối “Ngoại giao cây tre” mà còn giúp nâng cao vị thế của mình cũng như tháo gỡ một số vướng mắc còn lại trong quan hệ Việt –Trung một cách thực chất, khả thi và hiệu quả.
Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 12 -13/12.
"Điều này thể hiện sự coi trọng của Đảng và Nhà nước Trung Quốc và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc", - Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai bình luận.
Nhân sự kiện này, trước thềm chuyến thăm, Sputnik đã có cuộc phỏng vấn Nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, Bộ Công an.
Đại sứ Trung Quốc trả lời phỏng vấn trước chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.12.2023
Chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình: "Hai người đều rất nhớ nhau và mong được gặp nhau"

Bài toán không dễ đối với Việt Nam

Sputnik: Thưa ông Nguyễn Minh Tâm, đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam lần thứ ba của nhà lãnh đạo cao cấp nhất Trung Quốc. Theo đánh giá của ông, chuyến thăm này có những điểm gì đặc biệt và đáng chú ý?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm:
Chuyến thăm Việt Nam lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra đúng vào dịp Việt Nam và Trung Quốc cùng kỷ niệm 15 năm hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (2008-2023). Và Trung Quốc cũng chính là quốc gia đầu tiên trên thế giới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Việt Nam sau Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Khác với một số chuyến thăm Việt Nam trước đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam lần này có cả phu nhân Bành Lệ Viện cùng đi. Điều đó có thể là biểu hiện của ý tưởng coi quan hệ Việt Nam với Trung Quốc như quan hệ anh em trong gia đình, cũng có thể là một cử chỉ nhằm tăng cường sự hữu hảo giữa hai nước trong tình hình mới. Tình hình mới là trong năm 2023, Việt Nam có nhiều hoạt động ngoại giao bận rộn hơn nhiều năm trước đây và cũng đạt được nhiều kết quả khả quan.
Từ cuối năm 2022 đến cuối năm 2023, Việt Nam đã nâng cấp đối tác chiến lược lên đối tác chiến lược toàn diện với Hàn Quốc và Nhật Bản và nâng cấp đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ. Chỉ trong vòng một năm, số lượng các nước đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam đã tăng gấp đôi, một thành công chưa từng có trong lịch sử nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Nhưng điều quan trọng nhất là sự kiện nâng cấp đối tác toàn diện thành đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ đã tạo ra một tình thế cân bằng mới trong quan hệ với ba cường quốc hàng đầu thế giới là Liên bang Nga, Trung Quốc và Mỹ.
Bằng sự kiện đó, vị thế của Việt Nam trong quan hệ với ba góc của “tam giác chiến lược toàn cầu Nga – Trung – Mỹ” trở nên cân bằng hơn, chứng tỏ rằng Việt Nam kiên quyết đi theo chiến lược “Ngoại giao cây tre”, không chọn phe, không chọn bên mà chọn công lý, lẽ phải, sự công bằng, bình đẳng và phù hợp với công pháp quốc tế. Và quan điểm đó đã được chứng minh khi Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với ba thành viên hàng đầu của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.12.2023
Ông Tập sẽ nhận được ‘sự tiếp đón đặc biệt’ tại Việt Nam
Mặc dù những nguyên tắc quan trọng nhất, cốt lõi nhất của quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc cũng như giữa Việt Nam với Liên bang Nga không hề thay đổi nhưng cũng có những chi tiết có tính kỹ thuật cần phải điều chỉnh, thậm chí là có vấn đề cần được “định vị mới” cho phù hợp với bối cảnh mới. Nên nhớ rằng mặc dù Tổng thống Mỹ đã cam kết thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam nhưng mục đích sâu xa của Mỹ là kéo giãn khoảng cách quan hệ Việt – Trung cũng như thu hẹp khoảng cách quan hệ Việt - Mỹ. Còn Việt Nam thì chỉ mong muốn các quan hệ quốc tế của mình được cân bằng, ổn định để có điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, để tiếp tục xây dựng đất nước trong hòa bình mà không bị lôi cuốn vào những mâu thuẫn, rắc rối không liên quan hoặc ít liên quan đến mình.
Chính vì vậy mà chuyến thăm Việt Nam lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình có một ý nghĩa rất quan trọng, là dịp để Trung Quốc bày tỏ lập trường của mình đối với quan điểm, đường lối đối ngoại của Việt Nam, và cũng là dịp để Việt Nam không chỉ chứng minh tính đúng đắn của đường lối “Ngoại giao cây tre” mà còn giúp nâng cao vị thế của mình cũng như tháo gỡ một số vướng mắc còn lại trong quan hệ Việt –Trung một cách thực chất, khả thi và hiệu quả. Những yếu tố nói trên là cơ sở để làm sâu sắc thêm, làm mới hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Trong điều kiện mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc, tuy có chiều hướng hạ nhiệt nhưng vẫn chưa ổn định thì việc gìn giữ mối quan hệ tốt với Trung Quốc mà không ảnh hưởng hoặc ít ảnh hưởng tới quan hệ Việt – Mỹ vừa được nâng cấp là bài toán không dễ đối với Việt Nam. Cần nhớ rằng, cho đến nay, mặc dù thỏa thuận nâng cấp quan hệ đã được lãnh đạo Việt Nam và Mỹ nhất trí từ tháng 9/2023 nhưng quốc hội Mỹ và chính giới Mỹ vẫn chưa hề đả động đến việc phê chuẩn thỏa thuận này.

Không để cho phía Mỹ khai thác mâu thuẫn để “chọc gậy bánh xe”

Sputnik: Ông có thể cho biết một số dự đoán của mình về những vấn đề sẽ đôi bên bàn bạc?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm:
Về khía cạnh chính trị thì điều chắc chắn là hai bên sẽ tiếp tục tôn trọng và thực hiện đầy đủ nhận thức chung giữa hai Đảng, hai nước về các vấn đề có tính chiến lược trong quan hệ song phương cũng như các vấn đề quốc tế mới phát sinh mà hai bên cùng quan tâm. Các chuyến thăm và làm việc đến Trung Quốc của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Phạm Minh Chính tuy có giúp ích cho việc tăng cường quan hệ song phương về kinh tế, văn hóa, xã hội và phần nào về chính trị; nhưng các quan hệ chiến lược về chính trị trong tình hình mới thì cần phải được xác định bởi lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai Nhà nước.
Về khía cạnh kinh tế thì chắc chắn, hai nước sẽ tiếp tục đổi mới và tăng cường quy mô quan hệ kinh tế. Quan hệ đó không chỉ đơn giản là thương mại là xuất nhập khẩu hàng hóa của nhau mà còn ở tầm mức cao hơn là đầu tư phát triển. Tuy nhiên, quan hệ này bị cản trở bởi “hàng rào bao vây thương mại” do Mỹ dựng lên nhằm ngăn chặn không chỉ hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc mà còn ngăn chặn bất cứ sản phẩm hàng hóa nào có xuất xứ toàn bộ hoặc một phần từ Trung Quốc như các nguyên phụ liệu, sản phẩm sơ chế. Đây là vấn đề quan trọng mà hai bên cần tìm cách tháo gỡ.
Cần nhớ rằng khi thỏa thuận nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ còn chưa ráo mực thì phía Mỹ đã đe dọa sẽ siết chặt “hàng rào phòng vệ thương mại” đối với 18 sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ mà đa phần các sản phẩm, hàng hóa đó có sử dụng nguyên phụ liệu hoặc sản phẩm sơ chế từ Trung Quốc. Trong khi đó thì Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và EU) và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ. Còn Trung Quốc thì vẫn giữ vị trí dẫn đầu trong các đối tác thương mại của Việt Nam với 24,6% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tính hết tháng 9/2023. Còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc. Và hiện nay, cán cân thương mại xuất nhập khẩu song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc thì tỷ lệ vẫn là “nhập siêu” về phía Việt Nam.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao trả lời phỏng vấn trước chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.12.2023
Quan hệ Việt-Trung lên tầm mức mới sau khi ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam?
Về văn hóa, xã hội thì các cuộc giao lưu nhân dân từ tầm cỡ quốc gia cho đến cấp thôn bản vẫn diễn ra bình thường. Còn các va chạm trên Biển Đông thì hai bên vẫn giữ nhận thức chung là tạm gác lại, giảm căng thẳng, ngăn chặn leo thang.
Nhắc đến kinh tế thì không thể nhắc đến khối EU. Đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Trung Quốc. Nhưng không như Mỹ, EU không có ý định dính líu sâu vào mâu thuẫn Mỹ - Trung mà vẫn duy trì quan hệ sâu rộng với thị trưởng 1,4 tỷ dân này. Cán cân thương mại và đầu tư giữa EU và Trung Quốc đã trở nên cân bằng hơn khi “con đường tơ lụa” trên bộ giữa Trung Quốc và phương Tây đang phát huy tác dụng, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực ở Ukraina.
Trong cuộc Đối thoại Kinh tế - Thương mại cấp cao Trung Quốc lần thứ 10 diễn ra tại Bắc Kinh ngày 25/9/2023, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong cho biết, nước này sẵn sàng hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) thực hiện đầy đủ những đồng thuận quan trọng mà lãnh đạo hai bên đã đạt được. Về phần mình, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis phát biểu rằng, EU sẵn sàng cùng với Trung Quốc tăng cường hợp tác thực chất trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và thúc đẩy quan hệ song phương phát triển bền vững. Còn Việt Nam thì hiện vẫn đang vận động một số thành viên còn lại trong EU phê chuẩn các Hiệp định EVFTA và EVIPA. Do đó, rất có thể quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc với bên thứ ba là EU sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc do mâu thuẫn Mỹ – Trung tạo ra; không để cho phía Mỹ khai thác mâu thuẫn để “chọc gậy bánh xe”.

Chắc chắn là hai bên sẽ ra Tuyên bố chung

Sputnik: Hiện chưa rõ thành phần của phái đoàn do Chủ tịch Tập Cận Bình dẫn đầu gồm những nhân vật nào để có thể dự báo về các thỏa thuận sẽ được ký kết cũng như các lĩnh vực được đề cập đến trong các thỏa thuận đó. Nhưng dù sao, dưới con mắt của một nhà phân tích và nghiên cứu, theo ông dự kiến những thỏa thuận sẽ đạt được và sẽ được ký kết?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm:
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ cho biết rằng: “Một lượng lớn văn kiện trên nhiều lĩnh vực có thể sẽ được ký, tạo cơ sở quan trọng để các cơ quan, địa phương, người dân và doanh nghiệp triển khai hợp tác hiệu quả hơn trong thời gian tới”.
Tuyên bố rất chung chung, không có gì cụ thể.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là hai bên sẽ ra Tuyên bố chung. Và các thỏa thuận chính trị có tính nguyên tắc trong Tuyên bố chung đó sẽ là cơ sở để hai bên đi đến thống nhất ký kết các văn bản thỏa thuận về các lĩnh vực lý luận, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, xã hội và các lĩnh vực khác.
Có một điều chắc chắn là người dân Việt Nam cũng như người dân trung Quốc đều kỳ vọng rằng, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tạo “hiệu ứng lan tỏa” đến các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân, sẽ tạo động lực và xung lực mạnh mẽ cho các ngành, các cấp, các địa phương và đoàn thể nhân dân tiếp tục duy trì và phát triển các mối quan hệ sẵn có, xây dựng nền tảng xã hội vững chắc, tốt đẹp cho sự phát triển của quan hệ song phương.
Sputnik: Chân thành cảm ơn ông vì những phân tích và bình luận.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.12.2023
Việt Nam trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала