Quan hệ Việt – Mỹ: Thực tế không đơn giản

© AP Photo / Manuel Balce CenetaJoe Biden và Nguyễn Phú Trọng.
Joe Biden và Nguyễn Phú Trọng. - Sputnik Việt Nam, 1920, 05.04.2023
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) – Địa vị của Việt Nam trong chiến lược của Mỹ ngày càng nổi bật. Nhìn từ thực tế, kỳ vọng vượt tầm “Đối tác toàn diện” giữa Việt Nam – Hoa Kỳ có đơn giản? Sputnik xin cung cấp một số nhận định và góc nhìn đáng chú ý của nhà nghiên cứu quốc tế Đinh Đức Nguyễn về mối quan hệ này trong bối cảnh hiện nay.

Củng cố quan hệ

Mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận lời sớm thăm Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong bối cảnh Việt Nam và Hoa Kỳ đang hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện. Bình luận với Sputnik xung quanh chuyến thăm đặc biệt này, nhà nghiên cứu quốc tế Đinh Đức Nguyễn chia sẻ:
“Việc Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm Hoa Kỳ hay Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ thăm Việt Nam mới chỉ là thỏa thuận sơ bộ giữa hai nguyên thủ quốc gia tại cuộc điện đàm cấp cao tối 29/3/2023 (theo giờ Hà Nội) nhân kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ. Hiện các chuyên viên, cán bộ cao cấp của hai bên còn đang làm việc với nhau để hoạch định nội dung, lịch trình của các chuyến thăm chính thức của hai bên, trong đó có cả vấn đề ai sẽ đến thăm ai trước. Ngay cả thời gian của các chuyến thăm cũng chưa xác định. Hai bên cũng mới chỉ chấp nhận các đề nghị giao các cơ quan chức năng của hai bên trao đổi các nội hàm cụ thể nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ trong thời gian tới. Vì vậy, chưa thể nói chắc chắn những những thỏa thuận gì giữa hai bên hứa hẹn sẽ có được tại Washington hay ở Hà Nội”.
Vị chuyên gia cũng chia sẻ thêm, qua một số thông tin về cuộc điện đàm quan trọng này, có thể thấy được quan điểm chính trị trước sau như một của Việt Nam. Đó là tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước, hiểu biết lẫn nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và theo tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”.
Đây là những quan điểm nhất quán và xuyên suốt mà Việt Nam đã xác định trong 50 năm qua, kể từ khi cùng với Hoa Kỳ ký kết Hiệp định Paris tháng 1 năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chứ không chỉ từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện cách đây 10 năm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đồng chí Vương Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 29.03.2023
Việt Nam: Hàng loạt cuộc gặp gỡ quan chức Trung Quốc, Hoa Kỳ được diễn ra
Trong cuộc điện đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu một số phương hướng lớn, tăng cường tiếp xúc, trao đổi giữa các cấp, các ngành dưới các hình thức linh hoạt, trong đó có việc thúc đẩy quan hệ Chính phủ, Quốc hội, quan hệ giữa các Đảng và nhân dân hai nước.
Dù sao đây cũng là lần thứ hai, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt chân tới “Xứ cờ hoa”. Chuyến thăm trước đây của Tổng bí thư tới Hoa Kỳ diễn ra từ ngày 6 đến ngày 11/7/2015. Khi đó, Tổng bí thư đã có một cuộc nói chuyện dài tới 95 phút với Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng.

Chưa đủ cơ sở để xây dựng “niềm tin chiến lược”

Quan hệ Việt - Mỹ phát triển sâu rộng và có những bước tiến rất ấn tượng, đặc biệt là khi quan hệ hai nước được nâng lên tầm Đối tác toàn diện năm 2013. Dư luận trong nước và quốc tế rất quan tâm đến những bước tiến tiếp theo sau cuộc gặp đặc biệt này.
Trong cuộc điện đàm cấp cao tối 29/3/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu phương châm thúc đẩy quan hệ giữa hai nước bằng 16 chữ: “Gác lại quá khứ. Vượt qua khác biệt. Phát huy tương đồng. Hướng tới tương lai”.

“Tuy nhiên, đó mới là phương châm tổng quát, còn các phương pháp, biện pháp, cách thức để hiện thực hóa phương châm đó thì lại cần đến một khoảng thời gian không hề ngắn cũng như những nỗ lực, cố gắng không hề nhỏ của cả hai bên”, nhà nghiên cứu Đinh Đức Nguyễn nói với Sputnik.

Ông cũng phân tích thêm, để có được một tiếng vỗ tay thì cần phải có hai bàn tay. Để có được một cái bắt tay, cũng cần đến hai bàn tay. Trong trường hợp này, “quả bóng nằm bên phần sân của Hoa Kỳ”. Khác với nhiều quốc gia khác, tại Hoa Kỳ vẫn đang hiện diện không ít các tổ chức, các phần tử phản động lưu vong như “Việt Tân”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, “Triều đại Việt”, “Đảng dân chủ thế kỷ 21”, “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất”, “Ủy ban cứu người vượt biển”...
Đối thoại Chính trị, An ninh, Quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 12. - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.04.2023
Việt Nam – Hoa Kỳ thẳng thắn trao đổi những vấn đề còn khác biệt
Cho đến nay, những cá nhân và tổ chức này vẫn có chung mục đích chống chế độ chính trị ở Việt Nam, xem Đảng Cộng sản Việt Nam “là kẻ thù số một”. Mục tiêu cao nhất của các tổ chức này là tập hợp được lực lượng, khuếch trương thanh thế, tiến hành các hoạt động cổ xúy cho cái gọi là “xã hội dân chủ”, truyền bá tư tưởng đa nguyên và cổ vũ hình thành chế độ đa Đảng vào trong nước, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, nuôi dưỡng ảo vọng về việc lật đổ chính thể hiện hành ở Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Bên cạnh đó, nhiều tổ chức thù địch với Việt Nam như “Tổ chức Theo dõi nhân quyền” (HRW), “Tổ chức Phóng viên không biên giới” (RSF), “Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ” (USCIRF)… có trụ sở tại Hoa Kỳ vẫn thường xuyên tung ra các luận điệu xuyên tạc về nhân quyền, về tự do báo chí và tự do tôn giáo ở Việt nam. Thậm chí, đầu tháng 12 năm 2022 vừa qua, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) còn công bố một báo cáo xuyên tạc trắng trợn sự thật về tự do tôn giáo ở Việt Nam, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam, bất chấp những thành tựu không thể phủ nhận của Việt Nam trong nỗ lực bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.

“Trong suốt nhiều năm qua, chính phủ Hoa Kỳ qua các đời tổng thống vẫn không hề có một biện pháp nào để ngăn chặn những hoạt động chống phá Việt Nam xuất phát từ các tổ chức đang hoạt động trên lãnh thổ Hoa Kỳ với cái cớ tự do ngôn luận. Thậm chí còn cấp phép hoạt động cho các tổ chức này. Những biểu hiện trên đây cho thấy phía Hoa Kỳ chưa thực tâm thúc đẩy hợp tác về chính trị và an ninh giữa hai nước, chưa có những chuyển biến tích cực để có thể xây dựng “niềm tin chiến lược”. Đó mới là cơ sở quyết định để có thể nâng cấp quan hệ đối tác hai bên lên mức “đối tác chiến lược toàn diện”, vị chuyên gia nhìn nhận.

Vẫn còn những khoảng cách

Trả lời câu hỏi của Sputnik về nội dung đâu sẽ là nội dung chính được thảo luận trong chuyến thăm lần này, nhà nghiên cứu quốc tế Đinh Đức Nguyễn nhận định:
“Vấn đề quan hệ kinh tế, khoa học, công nghệ chắc chắn sẽ là những nội dung trọng tâm được hai bên quan tâm nhiều nhất”.
Trong 10 năm qua, thương mại song phương từ con số vài tỷ USD năm đã tăng lên tới hơn 123 tỷ USD năm 2022. Hiện tại, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tám của Hoa Kỳ trên thế giới và là đối tác lớn nhất tại ASEAN.
Sản xuất gỗ - Sputnik Việt Nam, 1920, 21.03.2023
Một thói quen của người Mỹ có lợi cho xuất khẩu gỗ Việt Nam sang Hoa Kỳ
Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hoa Kỳ tại Việt Nam đạt 11,4 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Bên cạnh đó, sự hợp tác trên các lĩnh vực năng lượng sạch, chuyển đổi năng lượng và các lĩnh vực mới như logistics, kinh tế số, chuyển đổi xanh, y tế cũng là những lĩnh vực sẽ được quan tâm nhiều hơn.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng vấn đề Biển Đông nhiều khả năng sẽ được đề cập chi tiết. Bởi trong cuộc điện đàm cấp cao ngày 29/3/2023, hai bên đã thống nhất về việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, bảo đảm các quyền tự do hàng hải, hàng không, không sử dụng hoặc đe dọa vũ lực trong quan hệ quốc tế, thực hiện “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), sớm ký kết “Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông” (COC) hiệu lực, hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982.
“Vấn đề Biểu Đông là vấn đề mà hai bên cùng quan tâm từ trước đây. Tuy nhiên, mục đích và nhận thức của Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như đánh giá của hai bên về vấn đề Biển Đông còn có những khoảng cách”.
Chuyên gia nghiên cứu quốc tế phân tích, theo quan điểm của Việt Nam, vấn đề giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông, giảm thiểu tranh chấp, hết sức tránh xung đột quân sự là mục tiêu hàng đầu. Biển Đông phải là vùng biển của hòa bình, hợp tác và hữu nghị theo đúng tinh thần của UNCLOS-1982. Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán theo đuổi chủ trương này.
Thúc đẩy hợp tác quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc - Sputnik Việt Nam, 1920, 30.03.2023
Quan hệ của Nga và Trung Quốc với Việt Nam không cho phép Hoa Kỳ có chỗ đứng tại Hà Nội
Nhưng đối với Hoa Kỳ thì khác. Hoa Kỳ cùng một số ít quốc gia và vùng lãnh thổ không tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS-1982). Hoa Kỳ cũng là cường quốc duy nhất trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không tham gia công ước này. Bởi điều đơn giản là nếu tham gia công ước này, Hoa Kỳ sẽ bị hạn chế phần lớn tầm ảnh hưởng quân sự trên các vùng biển và đại dương của thế giới. Giới quân sự và chính trị Hoa Kỳ coi việc kiểm soát Biển Đông là then chốt để hạn chế Trung Quốc phát huy ảnh hưởng của họ với một tâm thế đối đầu rõ rệt.
“Cần nói thêm rằng, Hoa Kỳ là quốc gia có nhiều căn cứ quân sự ở nước ngoài nhất thế giới, trải khắp các châu lục và các vùng biển, đại dương. Việc Hoa Kỳ không tham gia UNCLOS-1982 mâu thuẫn với chính các tuyên bố của họ về tuân thủ luật pháp quốc tế. Nếu Hoa Kỳ tham gia UNCLOS-1982 họ sẽ buộc phải hành xử có trách nhiệm hơn với cộng đồng quốc tế. Điều này trái với mục tiêu chiến lược lâu dài của Hoa Kỳ là xây dựng một thế giới cực quyền do Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất dẫn dắt”, nhà nghiên cứu nhấn mạnh với Sputnik.
Còn về vấn đề tẩy độc Dioxin, tìm kiếm hài cốt binh sĩ Hoa Kỳ và Việt Nam trong chiến tranh hai bên xúc tiến từ nhiều năm nay. Theo nhận định của nhà nghiên cứu Đinh Đức Nguyễn, ông cho rằng, nội dung này chắc chắn sẽ tiếp tục bàn thảo và triển khai.
Vấn đề duy nhất còn tồn tại là quân đội Hoa Kỳ và chính phủ Hoa Kỳ vẫn chối bỏ trách nhiệm của họ trong việc bồi thường các nạn nhân Việt Nam bị phơi nhiễm Dioxin và đổ trách nhiệm này cho Công ty Monsanto là công ty đã sản xuất loại chất độc này.

“Từ các vấn đề trên, có thể thấy rằng việc “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai” giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không hề đơn giản để có thể trở thành hiện thực trong một sớm một chiều”, chuyên gia Đinh Đức Nguyễn kết luận.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала