Uống cà phê có gây ung thư dạ dày hay không?

© Ảnh : TeeFarm/ PixabayCà phê
Cà phê - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.06.2023
Đăng ký
Gần đây xuất hiện thông tin cho rằng người uống nhiều cà phê có thể mắc viêm loét dạ dày và lâu dài bệnh này sẽ dẫn đến ung thư dạ dày. Vậy uống nhiều cà phê có gây ung thư dạ dày hay không? Chuyên gia khuyến cáo gì về việc uống cà phê?
Caffeine là chất kích thích thần kinh phổ biến nhất trên thế giới và cà phê là thức uống đặc biệt được yêu thích ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác.

Cà phê có gây ung thư dạ dày?

Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra lợi ích cũng như tác hại của cà phê và khuyến cáo lượng cà phê nên được sử dụng phù hợp trong ngày với từng nhóm đối tượng.
Vào năm 2016, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) công bố kết luận rằng, cà phê không gây ung thư, trừ khi nó được uống rất nóng- trên 65 độ C. Gần đây, cũng có thông tin cho rằng, uống cà phê có thể gây ung thư dạ dày.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, chưa cần quá lo vì thói quen hay sở thích uống cà phê của bạn. Cũng trong năm 2016, một nhóm các nhà nghiên cứu họp tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Ung thư thuộc tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra uống cà phê không phải là lý do dẫn đến ung thư vú, ung thư tuyến tụy, hay ung thư tuyến tiền liệt.
Thậm chí, uống cà phê còn giảm rủi ro ung thư nội mạc tử cung và giảm rủi ro ung thư gan. Ngoài ra, Hiệp Hội Ung thư Hoa Kỳ cũng chỉ ra rằng, không có bằng chứng nào chỉ ra uống cà phê dẫn đến ung thư dựa trên nhiều nghiên cứu.
"Mỗi ngày chúng ta có thể uống 4 - 5 tách cà phê mà không phải lo ngại về những tác động tiêu cực đến sức khỏ", - Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Nguyên Quý, Khoa Ung thư nội khoa, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, Nhật Bản, Trưởng dự án Y học cộng đồng dẫn các nghiên cứu khoa học và khuyến cáo từ Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ khẳng định.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào độ nhạy cảm, tốc độ chuyển hóa cũng như hàm lượng caffeine và các chất khác trong từng loại cà phê mà ngưỡng sử dụng loại đồ uống này của mỗi người cũng khác nhau.
"Nếu tiêu thụ quá nhiều cà phê, vượt quá khả năng dung nạp của cơ thể thì có thể dẫn đến các triệu chứng như: mất ngủ, bồn chồn, lo lắng, nhịp tim tăng nhanh, đau đầu, đau bụng, buồn nôn. Khi đó, bạn nên giảm bớt lượng cà phê cũng như số lần uống trong ngày", - chuyên gia khuyến nghị.
Vắc-xin cúm - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.05.2023
Nhà khoa học từ Oxford cho biết khi nào vắc-xin chống ung thư sẽ xuất hiện

Có nhiều nguyên nhân gây ung thư dạ dày

Đối với thông tin người uống quá nhiều cà phê hay lạm dụng cà phê dẫn đến viêm loét dạ dày và bệnh này lâu dài có thể dẫn đến ung thư dạ dày, TS. Phạm Nguyên Quý cho rằng, trong quá khứ, có một số nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa việc tiêu thụ cà phê và tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Tuy nhiên, các nghiên cứu sau đó đã chứng minh rằng các yếu tố như hút thuốc, uống rượu/bia, nhiễm vi khuẩn H.Pylori (HP) là yếu tố nguy cơ mạnh hơn.
Khi các yếu tố này được kiểm soát thì ảnh hưởng từ cà phê không còn mấy, tức là không có bằng chứng thuyết phục cho việc cà phê gây ung thư dạ dày.
"Hiện chưa có dữ liệu khoa học nào cho thấy thói quen uống cà phê lúc bụng rỗng, khi chưa ăn sáng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe", - theo chuyên gia.

Nên uống cà phê như thế nào?

Mặc dù vậy, bác sĩ Phạm Nguyên Quý lưu ý, khi đang bị viêm loét dạ dày, nếu uống cà phê, bệnh nhân có thể cảm thấy đau và khó chịu hơn.
Do đó, ông khuyến nghị, khi bị viêm loét ở đường tiêu hóa, mọi người nên hạn chế sử dụng loại đồ uống này.
"Bên cạnh đó, những người bị rối loạn giấc ngủ, phụ nữ mang thai cũng không nên uống cà phê. Bởi vì có một số nghiên cứu cho thấy cà phê có thể ảnh hưởng đến thai nhi và không có mức cà phê nào được gọi là an toàn đối với thai phụ. Người có vấn đề về sức khỏe tim mạch, tăng huyết áp nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng cà phê", - TS. Phạm Nguyên Quý nhấn mạnh.

Cách phòng tránh ung thư dạ dày bằng cách nào?

Theo VOV dẫn phân tích của TS. Phạm Nguyên Quý, để ngăn ngừa viêm loét và ung thư dạ dày, điều quan trọng là cần kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ gây nên căn bệnh này.
Trong đó, nguy cơ lớn nhất phải kể đến vi khuẩn HP (Helicobacter pylori). Đây là loại vi khuẩn rất phổ biến ở Việt Nam và lây nhiễm qua nhiều con đường như dùng chung bát đũa, chung bàn chải đánh răng, khi hôn, khi mẹ mớm cơm cho con hoặc vệ sinh cá nhân kém.
Сà phê - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.01.2023
Bác sĩ: những ai uống cà phê mà không ngủ được
Khi có triệu chứng cho thấy nguy cơ mắc các bệnh lý về dạ dày, người bệnh cần tiến hành nội soi dạ dày kiểm tra vi khuẩn HP và tầm soát, sàng lọc ung thư dạ dày để có chiến lược phòng ngừa căn bệnh này.
Đồng thời, chuyên gia cũng khuyến cáo mọi người không nên hút thuốc, hạn chế sử dụng rượu bia, hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn và nhiều muối như xúc xích, thịt xông khói…do đây là những tác nhân dễ dẫn đến ung thư dạ dày.
Cùng với thói quen duy trì lối sống lành mạnh, TS. Phạm Nguyên Quý cho biết, nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi sẽ giúp giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала