IMF: Một ngân hàng lớn của Việt Nam bị rút tiền ồ ạt và bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát

© Ảnh : SCBNgân hàng TMCP Sài Gòn
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.07.2023
Đăng ký
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay từ mức 5,8% xuống còn 4,7%.
IMF lưu ý, Việt Nam đang phải đối mặt với những cơn gió ngược từ biến động kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng hậu COVID 19, bất ổn chính trị giữa các nước, cuộc đua tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương.
Đặc biệt, IMF nhắc đến việc một ngân hàng lớn của Việt Nam đã bị rút tiền ồ ạt và phải đặt dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước (ngân hàng TMCP Sài Gòn – SCB). Căng thẳng tài chính của các doanh nghiệp phát triển bất động sản, đặc biệt là những công ty có đòn bẩy cao đã xuất hiện và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng băng.

IMF: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bị gián đoạn

Vừa qua Đoàn tham vấn Điều IV của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), do ông Sanjaya Panth, Phó Vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương của IMF làm trưởng đoàn, ông Paulo Medas – Trưởng Đoàn Điều IV cùng một số quan sức IMF đã có chuyến công tác đánh giá định kỳ tại Việt Nam.
Sau đợt tham vấn định kỳ, ông Paulo Medas, Trưởng nhóm phụ trách Việt Nam của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nêu một số đánh giá về tình hình kinh tế - tài chính, chính sách tiền tệ cũng như khuyến nghị đối với Việt Nam.
Trong báo cáo của mình, đại diện nhận định quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 của Việt Nam đã bị gián đoạn do những “cơn gió ngược” trong và ngoài nước, bao gồm vấn đề áp lực tỷ giá hối đoái đối với đồng Việt Nam đã gia tăng trong suốt năm 2022 khi lãi suất toàn cầu tăng mạnh.
Đặc biệt, đề cập đến những khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam, IMF nhắc lại về tình huống của ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và cách ứng phó của Việt Nam, cùng những ảnh hưởng không mong muốn của sự kiện rút tiền hàng loạt tại SCB.
IMF - Sputnik Việt Nam, 1920, 26.06.2023
Quan chức IMF đánh giá cao tư cách thành viên của Nga trong tổ chức
“Một ngân hàng lớn của Việt Nam đã bị rút tiền ồ ạt và phải đặt dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Căng thẳng tài chính của các doanh nghiệp phát triển bất động sản, đặc biệt là những công ty có đòn bẩy cao đã xuất hiện và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng băng”, ông Paulo Medas nhấn mạnh.
Theo tạp chí Công Thương dẫn lời của quan chức IMF, nền kinh tế Việt Nam còn chịu tác động nặng nề hơn do tổng cầu bên ngoài giảm mạnh từ cuối năm 2022, khiến xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2023 giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Áp lực thanh khoản và lạm phát đối với Việt Nam đã giảm bớt nhưng tăng trưởng kinh tế đã chậm lại đáng kể trong nửa đầu năm 2023”, chuyên gia Paulo Medas lưu ý.

IMF hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam

Sau đợt tham vấn định kỳ, làm việc với các bên liên quan và xem xét, phân tích nhiều yếu tố, IMF đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Cụ thể, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam xuống mức khoảng 4,7% cho cả năm 2023 với kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối năm nay khi xuất khẩu phục hồi và các chính sách được nới lỏng.
Mức này thấp hơn nhiều so với dự báo hồi tháng 4/2023, khi đó, IMF dự báo tăng trưởng năm nay của Việt Nam sẽ đạt 5,8%.
Về lạm phát, hiện IMF tiếp tục dự báo lạm phát tại Việt Nam sẽ được kiểm soát như mục tiêu đề ra của Chính phủ cũng như Quốc hội.
Thực tế, số liệu mới nhất vừa được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/6 cho thấy tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay của Việt Nam đạt 3,72%, thấp hơn kế hoạch đề ra.
Trong đó, tăng trưởng GDP quý 2/2023 đạt 4,14%. Các động lực tăng trưởng như sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, dịch vụ chưa phục hồi hoàn toàn khi chịu các tác động từ bên ngoài.
Bản thân Tổng cục Thống kê cũng nhận định việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay như đã đề ra sẽ gặp nhiều thách thức.
Trước đó, một số tổ chức định chế tài chính cũng hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trước những diễn biến thiếu khả quan của nền kinh tế. HSBC đã giảm nhẹ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay từ 5,2% xuống 5%, sau khi xem xét mức độ suy giảm thương mại kéo dài và ảnh hưởng sâu rộng hơn kỳ vọng.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng lưu ý, các hoạt động xuất khẩu, chế biến, chế tạo đang chậm lại do nhu cầu bên ngoài tiếp tục suy yếu. WB khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường giám sát sự khác biệt trong các xu hướng thi hành chính sách tiền tệ để không tạo ra các áp lực với dòng vốn đầu tư và tỷ giá.
Bà Rịa-Vũng Tàu: Xuất khẩu tiếp tục gặp khó - Sputnik Việt Nam, 1920, 29.06.2023
Tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam gần như thấp nhất trong 13 năm

Kinh tế của Việt Nam có thể quay lại mức cao

Theo đánh giá của IMF, trong ngắn hạn, rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn lớn và tăng trưởng có thể không như kỳ vọng nếu cầu bên ngoài hoặc đầu tư vẫn kém.

“Các vấn đề đang diễn ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản ngày càng sâu sắc, cùng với nợ xấu gia tăng có thể gây tổn hại đến khả năng hỗ trợ tăng trưởng của các ngân hàng”, ông Paulo Medas chỉ rõ.

Tuy nhiên, đại diện IMF nhấn mạnh, trong trung hạn, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể quay lại mức cao khi các cải cách cơ cấu được thực thi.
Cùng với đó, IMF khuyến nghị các chính sách lúc này Việt Nam nên ưu tiên là bảo đảm sự ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô, trong khi đẩy nhanh các cải cách. Chính sách tài khóa có thể đóng một vai trò lớn hơn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất.
Chuyên gia IMF dẫn chứng, tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn và các nỗ lực tiếp tục hiện đại hóa khuôn khổ chính sách tiền tệ có thể mang lại các lợi ích đáng kể.
“Việc nới lỏng hơn chính sách tiền tệ và các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng giai đoạn này có thể kém hiệu quả hơn và tạo thêm rủi ro”, IMF nêu quan điểm.
Nguyên nhân, theo IMF, lãi suất trên toàn cầu có thể duy trì ở mức cao trong thời gian dài và các ngân hàng tại Việt Nam đang phải đối mặt với các khoản nợ xấu ngày càng tăng và tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tiền gửi cao.
IMF cũng nhận định việc tăng chi ngân sách theo kế hoạch, gồm tăng tiền lương và đầu tư công; cắt giảm các loại thuế sẽ giúp thúc đẩy cầu trong nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam–Diễn đàn Kinh tế thế giới - Sputnik Việt Nam, 1920, 27.06.2023
Việt Nam - Một hình mẫu về phục hồi kinh tế
Tuy nhiên Việt Nam cũng cần lưu ý một số biện pháp giảm thuế mang tính lũy thoái và có tác động tiêu cực đến khí hậu, ví dụ, lệ phí đăng ký trước bạ cho xe ô tô. Thay vào đó, do thuế ở Việt Nam tương đối thấp, các cơ quan chức năng có thể cân nhắc tăng chi ngân sách cho nâng cấp cơ sở hạ tầng, củng cố mạng lưới an sinh xã hội và các nhu cầu xã hội khác.
“Cần cân nhắc hỗ trợ tài khóa hơn nữa, đặc biệt khi sự phục hồi kinh tế không được như kỳ vọng”, ông Medas bày tỏ.
Đoàn của IMF cũng khuyến nghị Việt Nam cần có những hành động quyết liệt nhằm tái cấu trúc thị trường bất động sản và thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh.
Chính phủ cũng cần đẩy mạnh cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cấp cơ sở hạ tầng quan trọng và đầu tư vào giáo dục.
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa qua, đoàn do ông Sanjaya Panth, Phó Vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương của IMF làm trưởng đoàn đã nhấn mạnh rằng, hiện nay và trong ngắn hạn, tình hình thị trường và xuất khẩu suy giảm, ảnh hưởng đến sản xuất. Ngoài ra, với việc nhiều quốc gia điều chỉnh chính sách tiền tệ sẽ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế của Việt Nam.
Đoàn tham vấn Điều IV cho biết, IMF đánh giá, với chính sách điều hành kinh tế linh hoạt, hiệu quả của Việt Nam, những tháng cuối năm 2023, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt hơn và đà tăng trưởng này sẽ được duy trì, thúc đẩy trong những năm tiếp theo.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала