Liên tục sạt lở, sụt lún, chuyện gì đang xảy ra ở Tây Nguyên?

© Ảnh : TTXVN - Chu Quốc HùngLâm Đồng: sụt lún trên tuyến đường tránh thành phố Bảo Lộc
Lâm Đồng: sụt lún trên tuyến đường tránh thành phố Bảo Lộc  - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.08.2023
Đăng ký
Do mưa lớn liên tục, nhiều khu vực tại TP. Bảo Lộc và huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng xảy ra lũ quét cục bộ, ngập lụt, sạt lở... Địa phương đã tổ chức lực lượng sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn.
Đặc biệt, tuyến đường tránh phía Nam TP. Bảo Lộc bị sụt lún, sạt trượt, nứt toác một số đoạn khu vực phường Lộc Sơn. Nhà chức trách đã tổ chức chốt chặn từ xa, cảnh báo người dân và các phương tiện không tiếp tục lưu thông qua tuyến này.
Thời gian gần đây, khu vực Tây Nguyên thường xuyên xảy ra sạt lở, sụt lún nghiêm trọng, nứt gãy trên bề mặt đất với tần suất dày, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Một số chuyên gia đã đưa ra ý kiến về vấn đề này.

Đường tránh Bảo Lộc sụt lún, nứt toác

Sáng 4/8, lực lượng cứu hộ cứu nạn tỉnh Lâm Đồng cùng với cơ quan chức năng TP. Bảo Lộc, huyện Đạ Huoai vẫn tiếp tục hỗ trợ di dời tài sản, sơ tán người dân đến nơi an toàn sau khi lũ quét cục bộ, ngập lụt, sạt lở… xảy ra trên địa bàn địa phương.
Trước đó, do mưa lớn kéo dài từ 23h ngày 3/8 đến rạng sáng 4/8, nhiều khu vực tại TP. Bảo Lộc rơi vào tình trạng ngập cục bộ, sạt lở và sụt lún đường giao thông.
Trong đó, tuyến đường tránh phía Nam TP. Bảo Lộc bị sụt lún, sạt trượt, nứt toác một số đoạn khu vực phường Lộc Sơn. Hiện TP. Bảo Lộc đang phối hợp với cơ quan Quản lý đường bộ vào cuộc khắc phục tình trạng này.
© Ảnh : TTXVN - Chu Quốc HùngSụt lún trên tuyến đường tránh thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng)
Sụt lún trên tuyến đường tránh thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.08.2023
Sụt lún trên tuyến đường tránh thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng)
Trước mắt, lực lượng chức năng đã tổ chức chốt chặn từ xa, cảnh báo người dân và các phương tiện không tiếp tục lưu thông qua tuyến này.
Cơ quan chức năng tiến hành dựng hàng rào sắt để phong tỏa đoạn đường bị sụt lún nghiêm trọng. Biển cảnh báo nguy hiểm đã được cắm để người tham gia giao thông chủ động rẽ sang các tuyến đường khác.

Nhiều địa phương ở Lâm Đồng xảy ra ngập lụt, sạt lở

Mưa lớn kéo dài đã khiến mực nước ở suối Đại Lào dâng cao. Từ khoảng 23h ngày 3/8, tại 2 xã Đại Lào và Lộc Châu xảy ra tình trạng ngập cục bộ, gây ảnh hưởng đến hàng chục hộ dân.
Các thôn 2, 4, 5 và 7 (xã Đại Lào) bị ngập nặng. Ông Thân Nguyễn Vĩnh Thắng, Chủ tịch UBND xã Đại Lào, cho biết địa phương đã huy động nhiều cán bộ, chiến sĩ công an, dân quân và các đoàn viên, thanh niên… vào cuộc hỗ trợ người dân chống ngập, di dời tài sản. Xã đã di dời khẩn cấp 4 hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các thôn 2, 3, Tân Ninh, Tân Bình (xã Lộc Châu). Địa phương đã huy động khoảng 40 người thuộc các lực lượng chức năng làm việc xuyên đêm, hỗ trợ hơn 30 hộ dân kê cao đồ đạc hoặc di dời tài sản, sơ tán khỏi vùng lũ.
Chính quyền địa phương bố trí lực lượng ứng trực 24/24 nhằm kịp thời giúp đỡ người dân ứng phó mưa bão, tránh xảy ra thương vong.
Ở huyện Đạ Huoai (giáp ranh Bảo Lộc), nước sông Đạ Huoai dâng cao gây ra lũ quét, ngập lụt và sạt lở đất. Nhiều hộ dân ở tổ dân phố 7 (thị trấn Đạ M’ri) chịu ảnh hưởng nặng. Các lực lượng địa phương đã hỗ trợ di dời 4 hộ dân đến nơi an toàn.
Khu nhà hậu cần Trạm Cảnh sát giao thông trên đèo Bảo Lộc bị vùi lấp. - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.08.2023
Nhiều nghi vấn xung quanh tính pháp lý vườn sầu riêng vụ đèo Bảo Lộc sạt lở
Trong khi đó, sạt lở xảy ra trên địa bàn xã Phước Lộc đã làm chia cắt tuyến đường trung tâm xã qua thôn An Bình. Chính quyền xã đang huy động xe máy múc để thông đường.
Tại các xã Đạ P’Loa, Đạ Tồn, Đạ Oai…, mưa lớn gây ngập úng hàng chục héc ta cây trồng của người dân, đồng thời làm xói mòn, sạt lở nhiều đoạn trên sông Đạ Oai.
Sáng ngày 4/8, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lâm Đồng phát đi cảnh báo lũ quét, sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ trên địa bàn. Theo đó, chỉ trong vòng hơn 6 giờ, từ 23h ngày 3/8 đến 6h ngày 4/8), tại TP. Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm và 3 huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng có mưa lớn, tổng lượng mưa từ 50-93mm. Dự báo trong 6 giờ tiếp theo, mưa vẫn tiếp tục ở nhiều nơi, có nguy cơ rất cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt trượt, lở đất và ngập cục bộ ở các khu vực trên.

Chuyện gì đang xảy ra ở Tây Nguyên?

Trong thời gian qua, tình trạng sạt lở, sụt lún nghiêm trọng, nứt gãy trên bề mặt đất liên tục xảy ra tại khu vực Tây Nguyên, gây thiệt hại về người và tài sản.
Mới đây nhất, vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc hôm 30/7 đã khiến 3 cán bộ CSGT và 1 người dân tử vong. Sau trận mưa lớn kéo dài, đất đá trên đèo Bảo Lộc, huyện Đa Huoai sụt lún đã vùi lấp trạm cảnh sát giao thông Madagui.
Trong khi đó, vụ nứt gãy địa chất kéo dài khoảng 200m ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân, làm ảnh hưởng đến nhiều hộ dân trên địa bàn.
UBND huyện Tuy Đức cũng cho biết, trong ngày 31/7, tại đường huyện 85, thuộc thôn 1, xã Đắk Búk So (trung tâm hành chính huyện) đã xảy ra 2 vụ sạt lở, nứt đất. Chính quyền địa phương đã vào cuộc khắc phục sạt lở, đảm bảo giao thông và di dời các hộ dân trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng đến nơi an toàn.
Những năm gần đây, khu vực Tây Nguyên xảy ra sạt lở với tần suất dày. Rạng sáng 29/6 trước đó, một vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra tại hẻm 36, đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Vụ việc làm đất đá tràn xuống 4 ngôi nhà phía dưới trong khu vực, khiến 2 nạn nhân tử vong.
Sạt lở còn xảy ra ở nhiều nơi khác trên địa bàn TP. Đà Lạt. Ở phường 3, sạt lở xảy ra ở đường Đặng Thái Thân, Đống Đa, Triệu Việt Vương, An Bình, Ba tháng Tư… với nhiều mức độ thiệt hại khác nhau, khiến 3 căn nhà bị sập, 1 người bị thương và cây cối ngã đổ. Tại phường 5, sạt lở đất xảy ra với mức độ nhẹ.
© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Ngọc DũngMưa lớn kéo dài gây ngập lụt và sạt lở đất, Lâm Đồng tiếp tục di dời dân đến nơi an toàn
Mưa lớn kéo dài gây ngập lụt và sạt lở đất, Lâm Đồng tiếp tục di dời dân đến nơi an toàn - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.08.2023
Mưa lớn kéo dài gây ngập lụt và sạt lở đất, Lâm Đồng tiếp tục di dời dân đến nơi an toàn
Ngày 18/6, mưa lớn đã gây ngập lụt, sạt lở nhiều nơi trên địa bàn TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Một căn nhà dân bị đất sạt lở vùi lấp, khiến ông Nghiêm Đình Quang (40 tuổi, trú tại thôn Ánh Mai 1, xã Lộc Châu, TP. Bảo Lộc) tử vong. Vợ ông Quang là bà Nguyễn Ngọc Lan (35 tuổi) bị thương.
Vụ sạt lở làm ảnh hưởng đến khoảng 15 hộ dân trong khu vực, trong đó 5 hộ dân bị uy hiếp nghiêm trọng, nhà cửa, tài sản có thể bị vùi lấp bất cứ lúc nào.
Cùng ngày, tại thôn 14 (xã Đam B’ri), mưa lớn làm sạt lở bờ taluy của một hộ dân, đồng thời kéo theo hơn 40m đường vận hành D1 thuộc Nhà máy Thủy điện Đam B’ri bị sụt lún, chia cắt. Vụ việc còn khiến 1 trụ điện đường dây vận hành của Nhà máy Thủy điện Đam B’ri bị nghiêng và làm đứt hệ thống cáp quang.
Hay như vào ngày 17/6, tại xã Lộc Châu, TP. Bảo Lộc, hàng chục tấn đất đá sạt lở vùi lấp 2 người, trong đó 1 người tử vong, 1 người bị thương.

Nguyên nhân do đâu?

Về hiện tượng này, Tạp chí Kinh tế Môi trường dẫn lời KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng sạt lở đất liên quan đến cường độ mưa, dòng chảy, thảm thực vật… với tác động của con người.
Ông Chính lấy ví dụ, dù muốn hay không, việc xây dựng những công trình lớn như thủy điện trên lưu vực các con sông ở miền Trung cũng đã gây ảnh hưởng tới rừng, tới thảm thực vật, làm mất khả năng giữ nước.
Do đó, khi triển khai dự án ở thượng nguồn, cần phải tính toán một cách tổng thể để có thể ứng phó hiệu quả hơn với tình trạng biến đổi khí hậu, qua đó làm giảm nhẹ mức độ nguy hiểm của thiên tai.
Đối với vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc làm 4 người tử vong vừa qua, TS. Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện sinh thái học Miền Nam, cho rằng tình trạng sạt lở, sụt lún xảy ra vừa qua ở Tây Nguyên có liên quan đến việc sử dụng đất, canh tác, khai thác nước ngầm, dùng chất hóa học để làm sạch bề mặt... làm mất đi thảm thực vật của hệ sinh thái tự nhiên.
TS. Vũ Ngọc Long cho biết, việc nhiều người đổ xô trồng cây cao sản đã làm biến mất các thảm thực vật. Do đó, khi gặp mưa to kéo dài, đất ngấm nước tạo thành những dòng chảy ngầm, cấu trúc đất đá bị rã, vỡ sẽ dẫn đến sạt lở, sụt lún.
Đồng thời, việc lạm dụng hoá chất làm sạch mặt bằng khiến hệ vi sinh vật đóng vai trò giữ vững kết cấu đất biến mất. Ông Long khuyến nghị, cơ quan chức năng cần đánh giá việc sử dụng đất và phải đặt vai trò của rừng trong việc chống biến đổi khí hậu lên hàng đầu.
Đèo Bảo Lộc vẫn bị phong tỏa, tỉnh Lâm Đồng tập trung khắc phục hậu quả thiên tai  - Sputnik Việt Nam, 1920, 03.08.2023
Sạt lở đèo Bảo Lộc: Đề nghị truy tặng Huân chương dũng cảm cho anh Phạm Ngọc Anh
“Kể cả rừng nghèo kiệt cũng không được cải tạo, trồng cao su hay sầu riêng vì nó còn thảm thực vật bên dưới sẽ đóng vai trò chống xói mòn, sạt lở, sụt lún”, - chuyên gia nhấn mạnh.
Về phần mình, Giám đốc Trung tâm KTTV tỉnh Đắk Lắk Đặng Văn Chiền lý giải, ngoài nguyên nhân mưa lớn thì việc rừng bị tàn phá, quá trình đô thị hóa đã dẫn đến tình trạng hiện nay.
Chẳng hạn, con suối Ea Tam đóng vai trò rất lớn trong việc thoát lũ cho TP. Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, lòng suối đã bị người dân xâm chiếm để xây dựng nhà cửa, đào ao hồ. Quá trình đô thị hóa, nhà cửa xây san sát ven các con suối đã dẫn đến việc, nước không kịp thoát ra suối khi mưa lớn, gây ngập nhiều nơi.
Tương tự, PGS.TS Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) cho rằng, Tây Nguyên ngày trước chưa thấy hiện tượng lũ ống, lũ quét nhưng hiện nay đã bắt đầu xuất hiện.
Theo ông, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do quá trình phát triển kinh tế - xã hội và phân bố dân cư đã phá hủy hệ thống giữ gìn tự nhiên. Khi dân cư tập trung nhiều vào các khu vực ven sông, ven suối để ở, cộng thêm việc xây cơ sở hạ tầng, đường sá đã gây nên những hệ lụy tất yếu, thể hiện rõ qua những vụ sạt lở nghiêm trọng.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала