Vụ đệ đơn phá sản của Noble House kéo dài nỗi lo cho nhà xuất khẩu Việt Nam

© AP Photo / Chitose SuzukiThợ mộc làm ghế ở một ngôi làng gần Hà Nội
Thợ mộc làm ghế ở một ngôi làng gần Hà Nội - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.10.2023
Đăng ký
Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gỗ sang Mỹ với trăm bề lo toan.
Sau vụ đệ đơn phá sản của Noble House hay cảnh báo sớm về phòng vệ đối với mặt hàng tủ bếp và tủ nhà tắm, có thể nhận ra thấy những rủi ro mà các doanh nghiệp xuất khẩu tủ gỗ Việt Nam sang Mỹ đang phải đối mặt.
Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp nên phối hợp đồng bộ với các cơ quan liên quan triển khai những giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng đầu tư núp bóng hay gian lận xuất xứ.

Từ vụ đệ đơn phá sản của Noble House

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tủ gỗ sang Mỹ dành nhiều sự quan tâm đến thông tin Noble House Home Furniture LLC (Noble House) đệ đơn xin bảo hộ phá sản lên Tòa án Phá sản Mỹ dành cho Quận Nam Texas, Phân khu Houston (Tòa án xử các vụ Phá sản) vào tháng 9/2023.
Noble House là một công ty tại Mỹ, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, phân phối và bán lẻ đồ nội ngoại thất kể từ năm 1992.
Trung tuần tháng 9, Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết công ty này đã làm thủ tục xin phá sản trong bối cảnh lạm phát và chi tiêu của người dân suy yếu, ảnh hưởng đến tình hình tài chính. GigaCloud Technology được dự báo sẽ mua lại tài sản của Noble House và hoạt động mua này có thời hạn kết thúc vào ngày 31/10/2023.
Hiện có ít nhất 18 doanh nghiệp hàng đầu trong ngành chế biến và xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam (đặc biệt là tủ gỗ) là nhà cung cấp cho Noble House. Việc công ty này tuyên bố phá sản khiến cho các doanh nghiệp cung ứng tủ gỗ của Việt Nam chịu rủi ro mất tài sản.
Tuy vậy, trong thông báo gửi cổ đông và các nhà đầu tư vào ngày 10/10, CTCP Phú Tài (PTB, có trụ sở tại TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) cho rằng động thái của Noble House không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của PTB, và việc bảo hộ phá sản này chỉ nhằm phục vụ tái cơ cấu Noble House trong thời gian tới.
Hiện tại, phía Noble House vẫn đang liên hệ đặt hàng với PTB nhằm duy trì hoạt động kinh doanh thường xuyên, đồng thời thực hiện thanh toán theo quyết định của Tòa án.
Theo Phú Tài, so với ngày 30/6/2023, số dư đến thời điểm hiện tại phải thu với Noble House còn lại thấp hơn nhiều so với các thông tin đã đăng tải. Lý do là vì, từ ngày 30/6/2023, Noble House vẫn tiếp tục thanh toán với PTB theo đúng cam kết.
PTB cho biết, công ty còn có nhiều khách hàng là các doanh nghiệp uy tín và truyền thống ở Mỹ. Riêng Noble House chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (dưới 5%) trong tổng doanh thu xuất khẩu tại thị trường này.
Ngoài ra, các khách hàng ở Mỹ là các khách hàng uy tín nhiều năm, luôn trả nợ đúng hạn và chưa có bất cứ khoản nợ quá hạn từ trước đến nay.
Nói với báo giới, Chủ tịch HĐQT PTB Nguyễn Sỹ Hòe cho hay, hiện doanh nghiệp đang tìm cách khoanh nợ và cố gắng giảm nhẹ tổn thất. Công ty còn thuê luật sư để giảm nhẹ thiệt hại cho doanh nghiệp.
Sản xuất gỗ - Sputnik Việt Nam, 1920, 21.03.2023
Một thói quen của người Mỹ có lợi cho xuất khẩu gỗ Việt Nam sang Hoa Kỳ
Ngoài ra, PTB cũng tìm kiếm khách hàng để bù vào lượng hàng hao hụt do mất đơn hàng từ Noble House, đồng thời tiến hành làm việc với ngân hàng để tránh tình trạng ngân hàng phát mãi tài sản.
Theo VnBusiness dẫn lời ông Hòe, vụ Noble House cho thấy, rất cần nghiên cứu kỹ lượng các hình thức bảo lãnh rủi ro để tránh trường hợp đối tác bị phá sản thì doanh nghiệp ngành gỗ chịu cảnh không thể thu hồi được tiền. Trong dài hạn, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam nên đi đến thống nhất về các phương thức thanh toán.
Trong bối cảnh nhiều biến động khó lường như hiện nay, tình trạng phá sản của các đối tác mua hàng sẽ còn diễn ra nhiều nữa. Thế nhưng, việc bảo hiểm rủi ro xuất khẩu vẫn còn khoảng trống nhất định.
Cần lưu ý, ngành gỗ là lĩnh vực dễ bị tổn thương do phải đầu tư nguyên vật liệu, nhà xưởng rất lớn, phải sau thời gian dài mới lấy lại được tiền.
Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cũng cần có trách nhiệm làm việc với các cơ quan phía Mỹ hoặc tòa án về các vấn đề, nắm bắt tình hình, xử lý các tình huống xảy ra. Chỉ có như vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu tủ gỗ sang Mỹ mới có thể tham gia theo dõi, quản lý, giám sát và thu hồi nợ một cách tốt nhất.

Đến cảnh báo về phòng vệ thương mại

Theo kế hoạch, trong tháng 10/2023, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ công bố kết luận sơ bộ, và đến tháng 1/2024 sẽ công bố kết luận cuối cùng việc điều tra lẩn tránh đối với mặt hàng tủ bếp và tủ nhà tắm của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ.
Theo bản tin cảnh báo sớm hôm 9/10 của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), tủ bếp và tủ nhà tắm của Việt Nam đã bắt đầu được cảnh báo từ tháng 4/2020.
ngành công nghiệp dệt may Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.09.2023
Động thái “quay xe” của Mỹ có thể thành đòn bẩy cho xuất khẩu Việt Nam
Cụ thể, phía Mỹ chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) và thuế chống trợ cấp (CTC) đối với các sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 2/2020, với mức thuế CBPG từ 4,37% đến 262,18%; mức thuế CTC từ 13,33% đến 293,45%.
Được biết, kim ngạch xuất khẩu tủ bếp và tủ nhà tắm của Việt Nam sang Mỹ đã tăng mạnh từ 913 triệu USD năm 2018 lên 1,37 tỷ USD năm 2019 (tăng khoảng 50%).
Giai đoạn từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt trên 2,7 tỷ USD. Kim ngạch của Việt Nam chiếm 33,8% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Mỹ.
Cục Phòng vệ thương mại lưu ý, căn cứ đề nghị của các doanh nghiệp sản xuất tủ bếp và tủ nhà tắm Mỹ, cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2022, DOC đã khởi xướng điều tra liệu tủ bếp và tủ nhà tắm nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia vào Mỹ sử dụng các bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc có thuộc phạm vi của biện pháp phòng vệ thương mại và có lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà Mỹ đang áp dụng với Trung Quốc hay không.
Cần nhớ, Mỹ là thị trường lớn nhất của các sản phẩm tủ gỗ của Việt Nam, nên các doanh nghiệp xuất khẩu tủ gỗ không nên lơ là, chủ quan trước cảnh báo sớm nói trên. Vì một khi bị áp thuế cao, các nhà máy sản xuất mặt hàng tủ gỗ xuất sang Mỹ sẽ càng gặp nhiều khó khăn, thiệt hại lớn, thậm chí có nguy cơ đóng cửa.
Các cơ quan quản lý cần tiếp tục cảnh báo tình trạng đầu tư núp bóng hay gian lận xuất xứ trong lĩnh vực sản xuất tủ gỗ để xuất khẩu sang Mỹ. Các doanh nghiệp không nên sử dụng các sản phẩm hoặc nguyên vật liệu theo định hình, định dạng những sản phẩm đã bị Mỹ áp thuế với nước thứ ba.
Đặc biệt, có giải pháp chuyển đổi sử dụng nguyên liệu trong nước để phát triển ổn định, bền vững, giảm thiểu các vụ kiện.
Nói tóm lại, sau vụ đệ đơn phá sản của Noble House cho đến việc cảnh báo phòng vệ đối với mặt hàng tủ bếp và tủ nhà tắm, các doanh nghiệp xuất khẩu tủ gỗ sang Mỹ cần hết sức lưu ý, phối hợp đồng bộ với các cơ quan liên quan triển khai những giải pháp phòng ngừa, đừng đợi "nước tới chân mới nhảy".
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала