Президент Демократической республики Вьетнам Хо Ши Мин в окружении пионеров в Крыму - Sputnik Việt Nam, 1920
Những trang sử vàng
Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đặt chân đến Liên Xô vào ngày 30 tháng 6 năm 1923, Người đã có hơn 6 năm học tập, lao động, giác ngộ lý tưởng Cộng sản và lãnh đạo phong trào cách mạng ngay trên chính quê hương của Cách mạng Tháng Mười lịch sử.

Những người Nga đầu tiên đến Việt Nam sau chiến thắng Điện Biên Phủ

© Sputnik / Chuyển đến kho ảnhChủ tịch Hồ Chí Minh, nhà quay phim Roman Karmen và Vladimir Yeshurin, năm 1954
Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà quay phim Roman Karmen và Vladimir Yeshurin, năm 1954 - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.12.2023
Đăng ký
Sputnik tiếp tục loạt bài mạn đàm về những giai đoạn đáng nhớ và những sự kiện quan trọng trong lịch sử quan hệ Nga-Việt.
Vào đầu tháng 5 năm 1954, trong cuộc trò chuyện với ba nhà quay phim người Nga: Roman Karmen, Evgeny Mukhin và Vladimir Yeshurin, đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của Việt Nam ở Liên Xô Nguyễn Lương Bằng đã nói: “Các đồng chí sẽ là những công dân Liên Xô đầu tiên trên đất Việt Nam sau chiến thắng Điện Biên Phủ”.
Đến thời điểm đó, quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta đã tồn tại được gần 4 năm rưỡi. Trong suốt thời gian đó, Liên Xô đã hỗ trợ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về lương thực, thuốc men và quan trọng nhất là vũ khí, trong đó có pháo phản lực Katyusha nổi tiếng đã hoạt động xuất sắc trong cuộc chiến tranh của nhân dân Liên Xô chống Đức Quốc xã cũng như trong trận Điện Biên Phủ. Đến thời điểm đó, sinh viên Việt Nam bắt đầu học tập tại Liên Xô, đài phát thanh Matxcơva phát các chương trình bằng tiếng Việt và những phái đoàn của đoàn thể xã hội Việt Nam đến thăm Liên Xô.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó người dân Liên Xô biết rất ít về Việt Nam. Đó là lý do tại sao ban lãnh đạo Liên Xô đã thông qua quyết định cử một nhóm quay phim sang Việt Nam để bộ phim tài liệu của họ đưa Việt Nam đến gần hơn với hàng triệu người dân Liên Xô và cư dân các nước khác.

Không phải ngẫu nhiên mà chính ba nhà làm phim này đã được lựa chọn

Khi đưa ra quyết định về thành phần nhóm làm phim, không phải ngẫu nhiên mà đạo diễn Roman Karmen đã được giao nhiệm vụ lãnh đạo nhóm quay phim. Vào giữa những năm ba mươi, ông đã quay phim ở nước Tây Ban Nha chìm trong biển lửa của cuộc nội chiến; vào cuối những năm ba mươi, ông đã quay phim về cuộc chiến tranh chống Nhật ở Trung Quốc; với chiếc máy quay phim trên tay, ông đã quay phim ở tiền tuyến trong những năm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại chống Đức Quốc xã. Hai đồng nghiệp của ông - Evgeny Mukhin và Vladimir Yeshurin - cũng biết rõ chiến tranh là gì. Cả hai đều đã tham gia Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại trong các trận đánh gần Matxcơva, ở Stalingrad và trận chiến giải phóng Berlin. Cả ba đều khá lo lắng trước khi đến một đất nước hoàn toàn xa lạ với họ. Sự phấn khích này đã đưa họ tới gặp Đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Matxcơva Nguyễn Lương Bằng.
Đài tiếng nói Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.12.2023
Những trang sử vàng
Đài Matxcơva phát thanh bằng tiếng Việt phủ sóng toàn cầu
Ngài Đại sứ đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà làm phim Liên Xô, đóng góp nhiều ý kiến rất bổ ích cho chuyến đi sắp tới của họ: “Nhân dân chúng tôi rất nóng lòng chờ các đồng chí Liên Xô sang Việt Nam. Các đồng chí sẽ phải tiến hành nhiều công việc khó khăn và nặng nhọc, nhưng Chính phủ và các đoàn thể xã hội của chúng tôi sẽ giúp đỡ các đồng chí và làm tất cả những gì có thể làm được trong điều kiện phức tạp của thời chiến. Các đồng chí sẽ được chào đón như anh em. Các đồng chí sẽ thấy người Việt Nam có tình cảm sâu nặng với Liên Xô”.
Xin lưu ý rằng, ở đây nói về năm 1954. Chưa có Internet, chưa có điện thoại di động. Ví dụ, câu hỏi sau được đặt ra: Ở Việt Nam nên sử dụng loại phim nào? Dùng phim trắng đen là đáng tin cậy. Phim màu tinh tế hơn nhiều, đòi hỏi sự thận trọng hơn và quan trọng nhất là các nhà quay phim mới bắt đầu làm việc với nó.

Roman Karmen hồi tưởng lại: “Chúng tôi đã được thông báo, đừng mạo hiểm, hãy chọn phim trắng đen, phim màu khó có thể chịu được khí hậu nhiệt đới với nhiệt độ và độ ẩm cao!”

Nhưng việc làm phim về Việt Nam mà không có màu sắc là không thể chấp nhận được, các nhà quay phim nhất trí quyết định. Người xem sẽ không cảm ơn chúng tôi nếu chúng tôi không cho họ xem màu sắc của thiên nhiên Việt Nam, sông, núi, đồng bằng, chân dung con người Việt Nam.
Nhóm quay phim đã có các máy ghi âm chạy bằng điện từ ắc quy; hồi đó họ thậm chí không thể ước mơ về pin. Và tất cả các thiết bị đều cồng kềnh, nặng nề, nặng tổng cộng hơn một tấn. Khi tất cả các thiết bị được mang lên máy bay đi từ Matxcơva đến Bắc Kinh, hóa ra, ngoài hàng hóa, chiếc máy bay chỉ có thể chở ba hành khách. Họ là Roman Karmen, Evgeny Mukhin và Vladimir Yeshurin.

Những cuốc gặp đầu tiên trên đất Việt

Chiều 24/5, ba nhà làm phim Liên Xô đã vào lãnh thổ Việt Nam. Những người đầu tiên họ nhìn thấy là các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Quang cảnh Matxcơva - Sputnik Việt Nam, 1920, 27.11.2023
Những trang sử vàng
Tại sao Đại sứ Liên Xô đến Hà Nội muộn hơn Đại sứ Việt Nam DCCH tại Matxcơva?
Roman Karmen hồi tưởng lại: “Những chàng trai trẻ với súng trường nhìn về phía chúng tôi với sự phấn khởi. Lần đầu tiên trong đời họ gặp người Liên Xô. Chúng tôi cũng rất vui mừng phấn khởi. Những cái bắt tay biến thành những cái ôm ấm áp”.
Sáng hôm sau, tại ngôi làng trong rừng, nơi đặt trụ sở của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lao động Việt Nam và Chính phủ nước cộng hòa, họ đã được Hồ Chí Minh tiếp đón.
“Có những cuộc gặp gỡ, được ghi nhớ suốt cả đời, để lại trong tiềm thức và trái tim dấu ấn sâu sắc, không có lần thứ hai, - Roman Karmen viết trong bút ký của mình. - Cuộc gặp gỡ của chúng tôi với đồng chí Hồ Chí Minh là cuộc gặp gỡ như thế. Chúng tôi nhìn thấy một con người tràn đầy nghị lực, trẻ trung. Trong suốt thời gian cuộc diện kiến, chúng tôi luôn bị hấp dẫn bởi đôi mắt màu nâu sẫm với những tia lửa ánh vàng tươi tắn. Đôi khi, đôi mắt ấy cũng thoáng một nét buồn. Đó là khi Người nói về những nỗi thống khổ cùng cực của nhân dân mình, về những hy sinh, về sự độc ác khủng khiếp của kẻ thù...”.
Cuộc trò chuyện bằng tiếng Nga. Hồ Chí Minh cho biết ông đã học được tiếng Nga trong những năm làm việc ở Liên Xô, tại Quốc tế Cộng sản. Ông hào hứng nói về tình yêu của người Việt Nam đối với Liên Xô. Và ông đã lặp đi lặp lại nhiều lần rằng Roman Karmen và hai đồng nghiệp của anh sẽ cảm nhận được tình yêu này ở mỗi bước đi. Khuyên họ lập ngay kế hoạch quay phim và đề nghị đồng chí Trường Chinh giúp lập kế hoạch.
Tại ngôi làng đó trong rừng rậm đã có thêm một số cuộc gặp gỡ thú vị. Những người đầu tiên đón chào nhóm quay phim từ Liên Xô là đồng chí Hoàng Tung, Tổng biên tập báo Nhân Dân, và đồng chí Tô Hữu, Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền.
Đồng chí Tố Hữu kể rằng, vào năm 1947, ông đã tìm thấy bài thơ “Đợi anh về” của Konstantin Simonov được dịch sang tiếng Pháp, bài thơ được sáng tác vào những năm nhân dân Liên Xô đấu tranh chống phát xít Đức.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Sputnik Việt Nam, 1920, 20.11.2023
Những trang sử vàng
Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lần thứ hai ở Matxcơva. Và lại ẩn danh
“Bài thơ này làm tôi phấn khích”, - nhà thơ nói, - “tôi nhớ đến các chị em của mình, nghĩ đến tất cả những người phụ nữ Việt Nam và quyết định gửi đến họ những lời an ủi, hy vọng mà nhà thơ Nga gửi đến những người phụ nữ. Tôi đã mất cả đêm để dịch bài thơ sang tiếng Việt”.
Và cuộc gặp gỡ với đồng chí Trường Chinh cũng rất hữu ích cho các nhà làm phim. Ông đã nói chi tiết về tình hình chính trị trong nước, về những nhiệm vụ mà nước Việt Nam dân chủ non trẻ phải đối mặt sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Cuộc gặp gỡ với đồng chí Tôn Đức Thắng thật khó quên. Nhớ về tuổi trẻ của mình, ông cho biết ông đã tham gia cuộc nổi dậy của thủy thủ Pháp tại Biển Đen để bảo vệ cách mạng Tháng Mười Nga, về việc ông đã kéo cờ đỏ trên chiến hạm Pháp cập cảng Odessa.
Chiều hôm đó, Roman Karmen và các động sự đã được mời tham dự Lễ trao huân huy chương cho các anh hùng Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ cho năm chiến sĩ trẻ lập công, tham gia chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ.
Và sau đó, đặt tay lên vai một người trong số họ, Chủ tịch nói với các nhà quay phim: "Anh chàng này, anh Vinh đã bắt sống tướng De Castries!"

Buổi chiếu phim Liên Xô đầu tiên tại Việt Nam

Trước khi rời khỏi ngôi làng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các nhà quay phim đã cho các lãnh đạo Việt Nam, toàn thể người dân trong làng và các chiến sĩ xem hai bộ phim tài liệu họ mang theo. Màn ảnh trong rừng được treo trên những cây cọ. Trong làng đã có sẵn thiết bị chiếu phim. Bộ phim đầu tiên nói về tình hữu nghị Xô-Việt. Các khán giả đã thấy nhiều thành phố khác nhau của Liên Xô và ở mỗi thành phố đều có những cuộc triển lãm ảnh về cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam. Khắp nơi đều tổ chức những cuộc mít tinh, trong đó các diễn giả nói về chiến công của các chiến sĩ Quân đội Nhân dân, về những nỗ lực không mệt mỏi của nông dân và công nhân vì chiến thắng. Có những lời ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam, sẵn sàng giúp đỡ nước này trong cuộc đấu tranh vì tự do, độc lập. Bộ phim thứ hai kể về lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5 và cuộc diễu binh trên Quảng trường Đỏ Matxcơva. Các khán giả đã thấy những chiếc máy bay trên bầu trời Mátxcơva, những người lính của Quân đội Liên Xô, cách đây 9 năm đã đánh bại quân phát xít Đức và quân phiệt Nhật Bản, và ngày nay đều bước trên Quảng trường Đỏ. Khi bộ phim kết thúc, Hồ Chí Minh nói:
 Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nhà máy Uralmash mang tên Ordzhonikidze ở Yekaterinburg - Sputnik Việt Nam, 1920, 06.11.2023
Những trang sử vàng
Nga và Việt Nam: Hành trình ba trăm năm đến với nhau

“Chúng ta vừa xem một bộ phim về tình bạn tuyệt vời giữa người dân chúng tôi với Liên Xô. Chúng ta vừa xem một bộ phim về ngôi sao sáng của thế giới - Matxcơva. Chúng ta vừa xem những chiếc máy bay tuyệt đẹp. Chúng tôi thường thấy máy bay trên bầu trời nước Việt, nhưng đó là máy bay của kẻ thù và chúng tôi căm ghét. Còn máy bay Liên Xô là những cánh chim câu của hòa bình. Tôi tin chắc rằng sắp tới những cánh chim hòa bình này sẽ sớm bắt đầu đưa những người bạn trung thành từ Matxcơva đến đất nước chúng tôi, và những người đầu tiên đang ngồi cạnh chúng tôi bây giờ”, - Hồ Chí Minh nói thêm và chỉ vào ba nhà quay phim.

Đi bộ xuyên Việt

Sau đó, đoàn làm phim từ Liên Xô bắt đầu cuộc hành trình kéo dài bảy tháng xuyên Việt Nam. Họ đã đi hàng nghìn cây số từ núi rừng chiến khu Việt Bắc đến Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Thái Bình, khi máy bay Pháp còn dội bom xuống. Họ quay phim tại các trận địa của chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, cảnh nông dân cày cấy trên cánh đồng, đến các công binh xưởng và quân y viện, trong rừng núi và những thành phố đã được giải phóng. Ghi lại chân dung các anh hùng Điện Biên Phủ và quay phim tại nơi các chiến sĩ Việt Nam giành chiến thắng lịch sử vào ngày 7 tháng 5. Họ đã gặp những tù binh Pháp ở đó, ví dụ, Roman Karmen đã có cuộc gặp, phỏng vấn với tướng De Castries - một chỉ huy người Pháp.

Tại sao De Castries không trở thành vị tướng hạnh phúc nhất thế giới?

Theo yêu cầu của Roman Karmen, De Castries nói về trận chiến: “Quân đội Việt Nam đã cho thấy một chiến lược cao trong trận chiến này. Tướng Navarre đã tập trung một "nắm đấm" quân sự quan trọng ở Điện Biên Phủ, nhưng chiến thuật tập trung của ông ta đã bị chiến lược của tướng Võ Nguyên Giáp bẻ gẫy. Ngoài ra, Navarre đánh giá quá thấp bộ binh và pháo binh Việt Nam và đánh giá quá cao pháo binh và không quân Pháp. Nhưng những chiếc máy bay của chúng tôi không thể xuống thấp hơn ba nghìn mét do sức mạnh của pháo binh Việt Nam”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Sputnik Việt Nam, 1920, 13.11.2023
Những trang sử vàng
Hồ Chí Minh ở Matxcơva: các cuộc gặp với Stalin
Thật thích hợp nếu nói thêm rằng, lực lượng pháo binh mà De Castries đánh giá cao phần lớn là những khẩu pháo do Liên Xô sản xuất và bắt đầu được cung cấp cho Việt Nam ngay sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao Xô-Việt. Tuy nhiên, chúng ta hãy quay lại cuộc trò chuyện của Roman Karmen với tướng De Castries. Theo yêu cầu của đoàn làm phim tư liệu của đạo diễn Roman Karmen, binh sĩ Vinh được mời tới dự buổi phỏng vấn De Castries. Anh ta được bố trí ngồi đầu bàn phía đối diện viên tướng Pháp này.
De Castries vừa nhìn thấy anh Vinh liền nói: “Nếu tôi không nhầm thì tôi đã gặp anh này rồi”.
De Castries nói thêm: “Tôi sẽ coi mình là vị tướng hạnh phúc nhất trên thế giới nếu được chỉ huy những người lính dũng cảm như anh”.

Chứng kiến cảnh đoàn quân giải phóng tiến về Hà Nội

Roman Karmen lưu ý: “Thế giới khâm phục chủ nghĩa anh hùng của những người lính đã chiếm được pháo đài Điện Biên Phủ, khâm phục chiến lược, chiến thuật của Bộ chỉ huy Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nhưng ít người biết về công lao vĩ đại của hàng nghìn người - phong trào hậu phương chi viện cho chiến trường và bảo đảm được chiến thắng đó”.

Và các nhà điện ảnh Liên Xô đã khắc họa chủ nghĩa anh hùng và lòng dũng cảm của Việt Nam trong tư cách là chiến binh và người lao động trong bộ phim của họ. Và Roman Karmen, sau đó ít lâu, trong cuốn sách của ông, viết về chiến công lao động của những người đã chuẩn bị chiến thắng, để tiêu diệt một phần tư các đơn vị tinh nhuệ nhất của lực lượng viễn chinh Pháp, bao gồm toàn bộ lực lượng nhảy dù và các đơn vị lính lê dương từ Đức.
Đêm 21/7, các nhà quay phim Liên Xô vừa quay xong hội nghị đại diện các nước Đông Dương lại nghe thấy tiếng báo động. Đây là tín hiệu báo động cuối cùng trong cuộc chiến đó. Vài phút sau họ được thông báo rằng có một bức điện được gửi đến từ Geneva. Hoà bình!
Tàu Zaisan của Liên Xô  trong cảng Hải Phòng. - Sputnik Việt Nam, 1920, 30.10.2023
Những trang sử vàng
Nhiệm vụ bí mật của các đại tá Liên Xô đầu tiên khi đến Hà Nội và Sài Gòn
Roman Karmen viết trong cuốn sách của mình: “Nền hòa bình được chờ đợi từ lâu không phải là một món quà được ban tặng. Người Việt Nam không chờ đợi hòa bình mà chiến đấu vì hòa bình!”.
Ba nhà quay phim Liên Xô đã chứng kiến ​​những ngày hòa bình đầu tiên sau khi Hiệp định Geneva được ký kết. Họ để lại những bằng chứng vô giá về thời gian đó trong bộ phim tài liệu đầy màu sắc, và Roman Karmen đã viết về những ngày đó trong cuốn sách ba trăm trang, một loại nhật ký du lịch. Đọc sách hay xem phim, chúng ta hít thở bầu không khí hân hoan vào những ngày đầu tiên sau chiến thắng.

Diện mạo mới của Việt Nam

Đất nước đã thay đổi toàn diện. Những con đường gần đây bị bỏ hoang đã trở nên sống động. Những cổng vòm trang trí bằng hoa, khẩu hiệu và lá cờ đỏ sao vàng. Quốc kỳ trên các tòa nhà, ô tô, xe đạp. Những cuộc tuần hành rầm rộ tự phát diễn ra khắp nơi. Ở vùng ngoại ô, tại các ngôi làng có những khu chợ ồn ào - trong chiến tranh, hoạt động buôn bán chỉ diễn ra vào ban đêm. Những nhóm học sinh vui vẻ - các em rất vui vì có thể lên lớp vào ban ngày chứ không phải ban đêm dưới ánh đèn pin. Những ngôi nhà mới đang được xây dựng. Họ đã quay cảnh công việc nông nghiệp, điệu múa của phụ nữ người Mường, các công việc chuẩn bị xây dựng tuyến đường sắt nối Việt Nam với thế giới bên ngoài, những bà mẹ bế con không sợ gì nhìn lên bầu trời, hàng loạt thuyền cá của ngư dân ra biển sau chiến thắng, cửa sổ hiệu sách với những tác phẩm của các nhà văn Việt Nam sáng tác giữa núi rừng Việt Bắc.
Những chiếc máy bay vận tải “vo ve” trên không, bay từ Hà Nội vào Sài Gòn. Người Pháp vội vã sơ tán khỏi thủ đô trước khi các đơn vị Quân đội Nhân dân tiến vào. Và các nhà làm phim Liên Xô cũng lên đường đến Hà Nội. Trong các bài mạn đàm tiếp theo của loạt bài "Những trang sử vàng", Sputnik sẽ tiếp tục kể về Hà Nội trong hồi ức Roman Karmen.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала