Vay 8,5 triệu thành 8,8 tỷ ở Eximbank: Không hiểu cách tính lãi kiểu gì mà khủng thế

© Ảnh : Social media page of Eximbank VietnamEximbank, Việt Nam
Eximbank, Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 17.03.2024
Đăng ký
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh cho biết đã nắm được thông tin vụ khách hàng vay nợ 8,5 triệu bằng thẻ tín dụng Eximbank, sau 11 năm số nợ biến thành 8,8 tỷ, nhưng chưa đầy đủ.
Đây là trường hợp hy hữu. Bản thân nhiều chuyên gia, nhân viên ngân hàng cũng tỏ ra “sốc” khi đọc thông tin về sự việc. Họ không hiểu Eximbank tính nào để lên đến số tiền “khủng” như vậy và rất mong thanh tra Ngân hàng Nhà nước làm rõ.

Chờ báo cáo từ Eximbank

Thông tin mới liên quan vụ việc nợ thẻ tín dụng Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) từ 8,5 triệu đồng (năm 2013) thành nợ xấu hơn 8,8 tỷ đồng (năm 2024), chiều ngày 16/3, thông tin với TTXVN, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh cho hay, hiện đã nắm được thông tin nhưng chưa đầy đủ.
Vị này nói rằng, theo báo cáo từ Eximbank chi nhánh Quảng Ninh thì mọi hồ sơ liên quan đến vụ việc đã chuyển về hội sở, do đó Eximbank Quảng Ninh đang chờ phía hội sở của Eximbank tại thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ các thông tin liên quan đến khách hàng cũng như quá trình phát sinh dư nợ để tổng hợp báo cáo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh.
Trước đó, như Sputnik đã thông tin, Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank AMC) có thông báo tới khách hàng có tên Phạm Huy Anh (địa chỉ tại phường Cẩm Tây, thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh) với số tiền nợ gần 9 tỷ đồng.
Theo thông báo của Eximbank, khoản nợ của ông Phạm Huy Anh tại Eximbank đã quá hạn toàn bộ với tổng số tiền phải thanh toán tạm tính đến ngày 31/10/2023 là: 8.838.869.549 đồng.
Trong số đó, dư nợ thẻ tín dụng bao gồm nợ gốc là 8.554.625 đồng; Nợ lãi là 8.830.314.924 đồng. Tổng số tiền khách hàng P.H.A phải thanh toán đến thời điểm thông báo là 8.838.869.549 đồng.
Eximbank cho biết khách hàng Phạm Huy Anh đã mở thẻ Master Card tại Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh vào ngày 23/3/2013 với hạn mức là 10 triệu đồng và đã có 2 giao dịch thanh toán vào ngày 23/4/2013 và 26/7/2013 tại một điểm chấp nhận giao dịch.
Eximbank Quảng Ninh - Sputnik Việt Nam, 1920, 15.03.2024
Công an nên điều tra vụ nợ thẻ tín dụng Eximbank ở Quảng Ninh
Từ ngày 14/9/2013, khoản nợ trên thẻ đã chuyển thành nợ xấu và thời gian quá hạn phát sinh đến thời điểm thông báo đã gần 11 năm.
Eximbank khẳng định, ngân hàng đã nhiều lần thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng. Tuy nhiên, khách hàng vẫn chưa có phương án xử lý nợ.
Eximbank cho rằng, việc phát thông báo nghĩa vụ nợ cho khách hàng là một hoạt động nghiệp vụ thông thường trong quá trình xử lý và thu hồi nợ.
Đến thời điểm hiện tại, Eximbank chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ khách hàng và đang phối hợp xử lý.

Kiểm tra xem có nợ xấu ngân hàng hay không

Được biết, hiện khách hàng bị Eximbank nhắc nợ xấu là ông Phạm Huy Anh (Quảng Ninh) đã thuê luật sư Tạ Anh Tuấn (Giám đốc công ty Luật TNHH Emme Law, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).
Việc thuê luật sư để làm việc nhằm tránh những phát ngôn gây bất lợi cho ông cũng như từ phía ngân hàng. Tuy nhiên, ông Anh nhấn mạnh rằng những chia sẻ từ phía ngân hàng là không chính xác.
Nói với VTC News, luật sư Tạ Anh Tuấn cho biết trong tuần này anh sẽ hoàn thiện đầy đủ thủ tục hồ sơ theo quy định và sẽ làm việc với ngân hàng Eximbank trong tuần tới.
Vụ việc này gây xôn xao trên mạng xã hội và báo chí. Ghi nhận cho thấy, những ngày qua, trên khắp các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội, nhiều người cho biết đã ra ngân hàng, gọi tổng đài, tìm website Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia để kiểm tra nợ xấu, tránh trường hợp “sốc” như ông Phạm Huy Anh.
Lượng lớn người dùng truy cập vào website Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) của Ngân hàng Nhà nước để kiểm tra xem mình có bị nợ xấu ngân hàng hay không.
Khách hàng vay tham khảo hướng dẫn khai thác báo cáo thông tin tín dụng tại website https://cic.gov.vn, mục “Hướng dẫn nhanh cách sử dụng Mobile App” hoặc trang Facebook* “Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam - CIC”.
Hiện CIC thu thập cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng từ 100% các tổ chức tín dụng trong hệ thống ngân hàng; cung cấp báo cáo thông tin tín dụng cho hệ thống các tổ chức tín dụng, báo cáo chấm điểm tín dụng đối với khách hàng cá nhân, báo cáo xếp hạng tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp, tuy nhiên, phải từ 1-2 ngày mới có kết quả trả về từ hệ thống.

“Không hiểu tính lãi kiểu gì”

Trước vụ việc gây sốc cho nhiều người này, các chuyên gia lưu ý, đúng sai sẽ rõ khi thanh tra ngân hàng và công an vào cuộc.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng không hiểu vì sao từ khoản nợ 8,5 triệu đồng, sau 11 năm lại lên tới 8,8 tỷ.
Điều này là bởi phần lớn các ngân hàng hiện nay thường áp dụng theo thông lệ là đối với một khoản nợ thẻ tín dụng đã bị chuyển thành nợ xấu, các ngân hàng sẽ khoanh nợ sau khi tính cả gốc, lãi và tiền phạt.
Do đó, dù có 10 hay 11 năm, tiền lãi cũng sẽ chỉ dừng ở mức 60 triệu đồng để không tạo áp lực nợ không thể trả đối với khách hàng.
Chi nhánh ngân hàng Eximbank tại Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 27.06.2023
Sau sự cố SCB, Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát biến động ở Eximbank
TTXVN dẫn lời chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho hay, để biết số nợ vài triệu đồng hóa thành hơn 8,8 tỷ đồng sau 11 năm có chính xác hay không, bên nào đúng, bên nào sai và thì cần phải kiểm tra rõ thông tin từ hồ sơ, hợp đồng giữa hai bên.
Ông Hiếu phân tích, khách hàng trong thời gian dài không trả nợ mà ngân hàng có thể đưa ra con số nợ rất lớn như hiện tại có thể là do cách tính của ngân hàng, bao gồm lãi kép, lãi phạt. Lãi phạt thường rất lớn, có thể lên đến 150%, khiến số nợ ban đầu của khách bị đội lên rất cao.
Nhiều người dùng thẻ tín dụng cứ đinh ninh nếu trễ hạn trả nợ thẻ tín dụng trong 1-2 ngày thì ngân hàng chỉ tính lãi trong 1-2 ngày đó. Nhưng thực ra không phải như vậy, ngân hàng sẽ tính lãi bắt đầu từ ngày mua sắm tiêu dùng, tức là từ khoảng 1 tháng trước đó.
Tuy nhiên, chính chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng phải thừa nhận: “Tôi không thấy cách tính nào để lên đến số tiền “khủng” như vậy. Đặc biệt, món nợ sau khoảng 90 ngày mà khách hàng không trả nợ thì ngân hàng đã phải ngưng hạch toán lãi rồi. Trong khi Eximbank lại vẫn cứ tính lãi. Tôi rất mong chờ Ngân hàng Nhà nước công bố kết quả để tất cả mọi người được biết”.
Trao đổi với báo Dân Trí trước đó, ông Phan Hoàng Quân, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân Công ty cổ phần FIDT cũng cho biết, vì lãi suất, phí phạt và các loại phụ phí mỗi loại thẻ, mỗi ngân hàng là khác nhau nên hiện chưa thể tính chính xác lãi suất và số dư nợ của ông Phạm Huy Anh.
Về nguyên tắc, lãi suất được tính bằng cách ngân hàng sẽ chốt dư nợ tín dụng mỗi tháng một lần, tại ngày lên bảng sao kê. Khi khách hàng trễ hẹn thanh toán, phía ngân hàng sẽ lập tức tính lãi suất dựa trên tổng dư nợ đã sử dụng. Sang tháng sau đó, khoản dư nợ tiếp tục được cộng gộp, bao gồm nợ gốc, lãi quá hạn, lãi trên khoản tiền chưa trả, phí phạt trả chậm. Trường hợp này gọi là lãi kép, số tiền sẽ ngày càng tăng sau mỗi chu kỳ nợ và tốc độ ngày càng tăng cao ở những chu kỳ cuối.
Ngân hàng sẽ quy định rõ các mức lãi suất cũng như các loại phí kèm theo khi cấp thẻ tín dụng cho khách hàng. Trong đó, lãi suất nợ quá hạn được tính là 150%.
Tuy nhiên, với trường hợp của ông Phạm Huy Anh, ông Quân cho rằng đây là một trong những trường hợp hy hữu, hiếm có.
Cũng như TS. Nguyễn Trí Hiếu đã nêu, theo chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân Công ty cổ phần FIDT, thông thường, ngân hàng sẽ chủ động tìm kiếm khách hàng. Khi phát thông báo quá 3 lần mà không nhận được phản hồi, phía ngân hàng có thể đơn phương hủy thẻ, không để phát sinh dư nợ.
“Các trung tâm thẻ thường quét được nhanh những dư nợ thẻ như anh A để đòi nợ, truy thu khách hàng. Nếu trong thời gian dài không thấy khách phát sinh giao dịch, thẻ sẽ hết hạn và tự động được khóa”, ông Quân lưu ý.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước thông tin với một số cơ quan báo chí trước đó cho biết nếu sự việc tranh chấp dân sự này được đưa ra toà và toà án yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xác nhận cách tính lãi của ngân hàng đúng hay sai, cơ quan này sẽ trả lời. Còn lại, việc tham gia vào tranh chấp dân sự không đúng thẩm quyền Ngân hàng Nhà nước.
Trước sự việc xảy ra tại Eximbank, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng lưu ý người dùng thẻ tín dụng đọc kỹ lãi suất, cách tính lãi ghi trong hợp đồng phát hành thẻ, mà chính chủ thẻ đã ký.
Thẻ tín dụng là một giải pháp tài chính được phía ngân hàng cung cấp cho khách hàng, chi tiêu trước, trả tiền sau. Số tiền chi tiêu tối đa nằm trong hạn mức thẻ tín dụng được cấp. Chủ thẻ được hưởng thời gian miễn lãi trung bình từ 45 - 55 ngày, sau thời hạn miễn lãi, chủ thẻ có 2 lựa chọn thanh toán mỗi tháng (tương đương với mỗi kỳ sao kê) là thanh toán dư nợ tối thiểu hoặc thanh toán toàn bộ dư nợ.
Với những trường hợp chậm trả thanh toán thẻ tín dụng trong thời gian dài, số tiền phát sinh có thể hiểu như sau: số tiền lãi và gốc phải trả của kỳ này được tính dựa trên số tiền gốc và lãi phải trả của kỳ ngay trước đó (không phải tính dựa trên dư nợ gốc).
Nói về trường hợp này, một cán bộ quản lý ở một ngân hàng thương mại cổ phần cũng xác nhận không có chuyện lãi mẹ đẻ lãi con với những khoản nợ của khách hàng sau khi bị chuyển nợ quá hạn.
“Tôi đã làm ngân hàng hơn 10 năm nhưng cũng không giải thích được tính cách nào để ra được con số tiền tỷ như vậy”, vị cán bộ thắc mắc.
*Hoạt động Meta bị cấm ở Nga
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала