Phương Tây rời đơn hàng khỏi Việt Nam, ngành xuất khẩu tỷ đô bất ngờ thất thế

© TTXVN - Nguyễn Vũ Thành ĐạtCả nước xuất siêu 12,25 tỷ USD nửa đầu năm 2023
Cả nước xuất siêu 12,25 tỷ USD nửa đầu năm 2023  - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.07.2023
Đăng ký
Ngành dệt may Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, EU. Đáng nói, các doanh nghiệp không chỉ đói đơn hàng mà đơn giá còn bị giảm đến hơn một nửa.
Trong bối cảnh cạnh tranh chi phí không còn là lợi thế của Việt Nam, Mỹ và EU chuyển dịch đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Pakistan, Bangladesh hay Ấn Độ, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng tìm biện pháp thích ứng và thay đổi.

Xuất khẩu dệt may sụt giảm

Thông tin về tình hình ngành dệt may Việt Nam nửa đầu năm, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, các doanh nghiệp đang trong giai đoạn hết sức khó khăn.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, năm 2023, tác động tiêu cực của dịch bệnh cùng những biến động chính trị trên thế giới khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm (năm 2021 tăng 6%; năm 2022 tăng 3%, dự báo năm 2023 chỉ trên dưới 2%).
Nửa đầu năm nay, ngành dệt may chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, EU.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng ước đạt 18,6 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ 2022; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,7 tỷ USD, giảm 20,5% và xuất siêu 7,9 tỷ USD (trong khi đó cùng kỳ năm 2022 xuất siêu 8,8 tỷ USD).
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang các thị trường lớn trong 5 tháng đầu năm hầu hết đều giảm: Mỹ giảm 27,1%; EU giảm 6,2%; Nhật Bản tăng 6,6%; Hàn Quốc giảm 2%; Canada giảm 10,9%...
“Mức giảm sâu này không chỉ bởi tác động của nền kinh tế mà còn đến từ áp lực "xanh hóa" ngành, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), EU và luật Thẩm định chuỗi cung ứng của Đức (có hiệu lực từ ngày 1.1 năm nay)”, Hiệp hội thừa nhận.
Bên cạnh đó, Vitas cho biết, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành, nhưng do lãi suất huy động cao từ cuối năm 2022 nên lãi suất vay vẫn ở mức cao. Doanh nghiệp không tiếp cận được với các gói hỗ trợ, ví dụ giảm lãi suất 2% với gói 40.000 tỷ đồng.

Chuyện chưa có tiền lệ

Trước đó, như đã đưa tin, phát biểu tại buổi gặp mặt, chia sẻ về tình hình sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng đầu năm và dự báo tình hình nửa cuối năm của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) diễn ra cuối tháng 6/2023, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex nói thẳng rằng, tình hình ngành dệt may đang rất khó khăn.
Điểm chung lớn nhất từ quý 4/2022 cho tới 6 tháng đầu năm nay là đơn hàng rất nhỏ lẻ, manh mún. Ông Cao Hữu Hiếu khẳng định “chưa bao giờ có tiền lệ doanh nghiệp may quy mô vài nghìn lao động phải nhận đơn hàng đơn vị 500 - 700 chiếc áo jacket, nhưng bây giờ phải làm”.
Nguyên nhân là bởi "không làm, thứ nhất là khách không biết đến ta và thứ hai là doanh nghiệp sẽ không có đơn hàng".
Nhà máy dệt. - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.11.2022
Dệt may Việt Nam thiếu hụt đơn hàng đến đầu năm 2023
Ông Cao Hữu Hiếu lưu ý, để vượt qua khó khăn, thách thức, thời gian tới, Vinatex xác định sẽ tập trung vào các giải pháp chính như: đẩy mạnh công tác dự báo thị trường, hỗ trợ, đưa ra định hướng để các đơn vị có thể chủ động lên kế hoạch sản xuất.
Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất theo hướng linh hoạt, đáp ứng đơn hàng nhỏ lẻ, thay đổi nhanh, khó, thời gian gấp.
Ngành may linh hoạt cơ cấu chuyển đổi mặt hàng để đảm bảo đơn hàng đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngành sợi nghiên cứu các mặt hàng mới, thị trường mới để đón đầu xu hướng.

"Đói" đơn hàng

Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo, tình hình sản xuất, xuất khẩu sẽ cải thiện dần nhưng khó khăn sẽ còn kéo dài hết năm 2023, do nhiều doanh nghiệp đến nay chưa đủ đơn hàng cho quý 3 và quý 4.
Ngoài việc thiếu đơn hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh của mình, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với khó khăn do đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm đến trên 50% so với bình thường.
Năm 2023, toàn ngành dệt may đặt mục tiêu phấn đấu xuất khẩu đạt 39 - 40 tỷ USD. Để hoàn thành mục tiêu, lãnh đạo Vitas Vũ Đức Giang bày tỏ với Thanh Niên rằng, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần chú trọng 3 vấn đề cốt lõi.
Thứ nhất, tìm giải pháp giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt; tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Thứ hai, giữ chân khách hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, không có lãi để có việc làm cho người lao động và để khách hàng không chuyển đi nơi khác; xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài; khai thác thị trường mới, quan tâm thị trường nội địa.
Thứ ba, giảm tối đa các chi phí chưa thực sự cần thiết của doanh nghiệp.

Lợi thế nhân công giá rẻ không còn

Ngày 19/7, theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), các đơn hàng xuất khẩu chuyển dịch sang thị trường Pakistan hay Ấn Độ trong bối cảnh lợi thế về chi phí không còn thuộc về Việt Nam.
Tuy vậy, đây chính là thời điểm “vàng” để các doanh nghiệp Việt nhìn sâu vấn đề và khắc phục những bất cập cốt lõi đang tồn đọng.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam cho rằng, kinh tế thế giới vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là sự phục hồi không như kỳ vọng của Trung Quốc đang và sẽ tiếp tục là trở ngại lớn trong việc gia tăng nhu cầu đối với mặt hàng bông. Do đó, giá bông có thể duy trì xu thế giằng co trong khoảng thời gian tới.
Thịt heo - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.07.2023
Lượng sản phẩm thịt lợn xuất khẩu từ Nga sang Việt Nam tăng gấp 3 lần
Từ cuối năm 2022 đến nay, giá bông khá ổn định, chủ yếu giằng co với biên độ nhỏ trong khoảng 1.800–1.900 USD/tấn. Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cập nhật cho hay, giá bông giao dịch trên Sở Giao dịch Liên lục địa (ICE) tính đến hết ngày 18/07 ở mức 1.847 USD/tấn, giảm gần 1,5 lần so với mức giá cao gần 2.700 USD/tấn được ghi nhận hồi tháng 8 năm ngoái.
Giá bông ổn định vốn là điều tốt đối các quốc gia nhập khẩu bông lớn như Việt Nam. Tuy nhiên, giá giảm đột ngột từ mức cao xuống thấp và không có dấu hiệu hồi phục khiến cho các doanh nghiệp dệt may đã ôm hàng trước đó không kịp trở tay.
“Chênh lệch giá nguyên liệu đầu vào khiến khi phí chi phí cho sản xuất hàng dệt may còn ở mức cao so với các quốc gia không bị phụ thuộc quá lớn vào đầu vào như Việt Nam, gây cản trở đến việc đón nhận các đơn đặt hàng”, theo lãnh đạo MXV.
Thêm vào đó, không chỉ nguyên nhân trước mắt là giá nguyên liệu gây cản trở mà sự suy yếu trong xuất khẩu hàng dệt may còn xuất phát từ những yếu tố nội tại của việc sản xuất.
Cần lưu ý rằng, vấn đề thâm dụng lao động, nhân công giá rẻ, vốn là những cụ từ quen thuộc khi nhắc đến ngành dệt may của Việt Nam. Trong những năm trước, hai yếu tố trên vẫn luôn là lợi thế để ngành dệt may Việt Nam cạnh tranh với các đối thủ lớn như Bangladesh, Ấn Độ,....
Với lợi thế đó, dệt may trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam khi đóng góp trên 10% cho kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Tuy vậy, trong vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của thị trường lao động, những lợi thế về nhân công giá rẻ của Việt Nam đang dần suy yếu.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) lưu ý, tiền lương trung bình hàng tháng của công nhân ngành may mặc tại Việt Nam ở mức 300 USD, cao hơn mức trung bình 200 USD/người trên toàn cầu.
Thậm chí, mức lương trong ngành dệt may tại Việt Nam đang cao gấp 3 lần mức lương 95 USD/người/tháng tại Bangladesh hay 145 USD/người/tháng tại Ấn Độ, các quốc gia đang trực tiếp cạnh tranh các đơn hàng may mặc với Việt Nam.
Tiền lương trong lĩnh vực dệt may tăng trưởng là tín hiệu tốt cho đời sống công nhân, cũng như thể hiện năng lực ngành.
“Tuy nhiên, giá nhân công không rẻ như trước cũng sẽ hạn chế phần nào năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Về mặt tích cực, đây lại là động lực cho ngành nâng cao công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm”, lãnh đạo MXV nhấn mạnh.
ngành công nghiệp dệt may Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.01.2023
Dệt may Việt Nam xử lý tốt đơn hàng khó, nắm chắc vị trí thứ 3 thế giới

Thay đổi để trở lại đường đua

Giới chuyên gia cho rằng, dù Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng sự dồi dào trong nguồn cung lao động cũng đã hạn chế hơn giai đoạn trước.
Điểm sáng là trình độ nhân công được cải thiện, song điều đó đòi hỏi ngành dệt may Việt Nam cần chuyển đổi đa dạng hơn các lợi thế cạnh tranh khác, không chỉ còn tập trung vào nguồn lao động giá rẻ như trước.
Mặt khác, ngành dệt may Việt Nam cũng cần chuyển đổi xanh để phù hợp với xu hướng tất yếu cùng các tiêu chuẩn phát triển bền vững.
Ông Phạm Quang Anh khuyến nghị, để đạt được mục tiêu, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng đến công tác dự báo về tình hình giá bông trên thế giới để có những chiến lược bảo hiểm giá hợp lý, tăng tính ổn định và bền vững cho ngành công nghiệp xuất khẩu tỷ USD.
Đồng thời, để ngành dệt may Việt Nam nhanh chóng trở lại đường đua xuất khẩu thì việc chuyển dịch theo hướng sản xuất xanh để đáp ứng nhu cầu mới của thị trường là điều tất yếu.
“Bên cạnh đó, việc nâng cao công tác dự báo giá nguyên liệu đầu là chất xúc tác để quá trình chuyển đổi và phát triển của ngành dệt may Việt Nam diễn ra nhanh hơn”, chuyên gia khuyến nghị.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала