Câu chuyện đất hiếm Việt Nam và cạnh tranh địa chiến lược Mỹ -Trung

© Ảnh : Public domainĐất hiếm
Đất hiếm - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.01.2024
Đăng ký
Trong tình hình thị trường đất hiếm hiện nay, Việt Nam có nhiều phương án hơn trong việc xuất khẩu đất hiếm. Nói một cách khác, Việt Nam có nhiều “khách hàng” khác ngoài Mỹ và Trung Quốc để lựa chọn
Trung Quốc và Việt Nam đã ký một 36 thỏa thuận trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam vào tháng 12/2023 vừa qua của ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, truyền thông Việt Nam đưa tin, Bắc Kinh và Hà Nội không thể đạt được thỏa thuận về 9 vấn đề khác, trong đó có vấn đề khai thác kim loại và đất hiếm. Trong bối cảnh “cuộc chiến chip” với phương Tây ngày càng leo thang, Trung Quốc rất quan tâm đến việc tiếp cận kim loại đất hiếm của Việt Nam.
Còn trong chuyến công du Hà Nội hồi tháng 9/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký các thỏa thuận với Việt Nam về bán dẫn và kim loại đất hiếm.
Đất hiếm là gì? Việt Nam sẽ trực tiếp xuất khẩu đất hiếm như Mỹ kỳ vọng, hay gửi sang Trung Quốc gia công? Liệu cuộc đối đầu về kim loại đất hiếm Việt Nam giữa Trung Quốc và Mỹ có bùng nổ hay không?

Đất hiếm là gì? Vai trò trong nền công nghiệp hiện đại

Dĩ nhiên là hầu hết các loại khoáng sản có giá trị trong đời sống của con người đều nằm ở dưới lòng đất. Tuy nhiên, “đất hiếm” lại là một câu chuyện khác bởi nó không phải là “đất” theo cách hiểu thông thường.
“Đất hiếm” (tiếng Anh “Rare-Earth Elements, viết tắt là REE) là một hợp chất gồm 17 nguyên tố hóa học có trong bảng tuần hoàn Mendeleev mà hầu hết là các kim loại nặng. Các nguyên tố có trong đất hiếm gồm nguyên tố đất hiếm gồm Xeri (Ce), Dysprosium (Dy), Er (Er) Europi, (Eu), Gadolini (Gd), Holmi (Ho), Lantan (La), Luteti (Lu), Neodim (Nd), Prazeodim (Pr), Prometi (Pm), Samari (Sm), Scandi (Sc), Terbi (Tb), Tuli (Tm), Ytterbi (Yb) và Ytri (Y).
Trừ Prometi, các nguyên tố hợp thành cũng như hợp chất “đất hiếm” đều tồn tại phổ biến trong vỏ trái đất ở các lớp trầm tích có độ sâu từ vài trăm mét đến vài chục km. Hợp chất này gồm 15 nguyên tố có họ Lantan và hai nguyên tố độc lập là Scandi và Ytri. Mặc dù không có tên trong bảng tuần hoàn Mendeleev nhưng Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPYO) xếp vào dạng hợp kim hoặc hợp chất. Trong đó có Prometi là nguyên tố có tính phóng xạ.
17 nguyên tố trong đất hiếm đều có những vai trò không thể thay thế hoặc khó thay thế trong nền công nghiệp hiện đại:
Scandi có mặt ở các thiết bị đèn chiếu sáng cường độ cao. Hợp kim nhôm-scandi được sử dụng phổ biến để chế tạo tàu vũ trụ, tên lửa phóng từ tàu ngầm và các thiết bị có độ bền cao.
Ytri được dùng phổ biến trong công nghệ truyền hình màu (đèn hình LED), trong các bộ lọc vi sóng, chế tạo điện cực siêu dẫn ở nhiệt độ cao,.. Đồng vị Ytri 90 được dùng để điều trị ung thư biểu mô gan và một số nhóm hội chứng ung thư máu, ung thư hạch…
Lantan được sử dụng trong chế tạo thấu kính máy ảnh, điện cực pin lithium và là một chất xúc tác trong công nghệ lọc dầu.
Xeri được sử dụng công nghệ thủy tinh, gốm, sứ và cũng có mặt trong dung dịch xúc tác lỏng trong công nghệ lọc dầu.
Praseodymium và Neodymium là các nguyên tố từ tính, được sử dụng phổ biến trong công nghệ laser.
Promethi là nguyên tố có tính phóng xạ duy nhất trong các nguyên tố đất hiếm, được sử dụng trong công nghệ chế tạo pin nguyên tử. Hiện nay, Liên bang Nga là nước duy nhất trên thế giới nắm giữ công nghệ này.
Europi được sử dụng rộng rãi trong công nghệ chế tạo đèn thủy ngân cao áp.
Gadolini cũng là chất từ tính, được sử dụng trong công hệ laser, chế tạo đèn phát tia X, chế tạo bộ nhớ của máy tính, chế tạo nam châm vĩnh cửu…
Erby được dùng trong công nghệ laser và chế tạo thép siêu cứng (thép Vanadi), v.v…
Tóm lại, đất hiếm chứa đựng nhiều nguyên tố có tính chiến lược trong nền công nghiệp thời đại công nghệ 4.0 và một số lĩnh vực quan trọng khác.
Khai thác dầu mỏ  - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.10.2023
Việt Nam khởi động lại mỏ đất hiếm lớn nhất, nhiều nước muốn “nhảy vào”

Trữ lượng đất hiếm trên thế giới và cuộc cạnh tranh “của hiếm”

“Hiện tại, các quốc gia hầu như không công bố trữ lượng đất hiếm của mình, một số quốc gia đã đưa số liệu về trữ lượng đất hiếm vào danh mục bảo mật quốc gia. Số liệu mà chúng ta có hiện nay đều xuất phát từ một cơ quan duy nhất công bố là “Cục Khảo sát địa chất Mỹ” (USGS)”, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long nói với Sputnik.
Theo số liệu của “Cục Khảo sát địa chất Mỹ” thì:
Trung Quốc dẫn đầu thế giới về trữ lượng đất hiếm: Khoảng 44 triệu tấn, chiếm 37,9% trữ lượng đất hiếm toàn cầu.
Việt Nam xếp thứ hai với khoảng 22 triệu tấn (18,9%).
Brazil có 18,1 triệu tấn (18,1%)
Liên bang Nga có khoảng 12 triệu tấn (10,3%)
Ấn Độ có khoảng 6,9 triệu tấn (5,9%).
Australia có khoảng 4,2 triệu tấn…
Phần còn lại nhỏ hơn 5% nằm rải rác ở hơn 50 quốc gia trên toàn cầu.

“Nhìn từ góc độ địa chiến lược, có thể nhận thấy “thượng đế” đã “ban phước” cho các quốc gia ít thân thiện hoặc thù địch với Mỹ thứ “của hiếm”. Trong khi đó thì với tốc độ phát triển “cuồng phong” của công nghệ số, nhu cầu về đất hiếm chắc chắn sẽ tăng lên nhanh chóng. Bằng chứng là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung với hàng rào cấm vận và thiết lập hàng rào thuế quan nghiêm ngặt của Mỹ đã là giảm khối lượng nhập khẩu đất hiếm của Mỹ từ Trung Quốc từ mức hàng vài chục tấn/năm xuống mức chỉ vài tấn/năm.

Sau khi Nga thu hồi Crimea và phát động “Chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraina, hàng chục tấn đất hiếm từ Nga đã không thể đến được với các tổ hợp công nghiệp công nghệ cao Mỹ và Châu Âu”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik.

Các chuyên gia cho biết, công nghệ tách chiết và làm giàu các nguyên tố có trong đất hiếm còn khó khăn và phức tạp gấp nhiều lần so với công nghệ làm giàu Uranium do đặc điểm đa dạng, đa tính chất của các nguyên tố đất hiếm. Chỉ một số ít các quốc gia nắm giữ được công nghệ này. Trong đó có Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Ai là “khách hàng” mua “đất hiếm” lớn nhất của Việt Nam hiện nay?

“Điều đáng chú ý là không phải Mỹ, Nga và Trung Quốc, mà là Hàn Quốc hiện nay là “khách hàng” mua “đất hiếm” lớn nhất của Việt Nam. Sản lượng đất hiếm của Việt Nam từ mức khoảng 400 tấn/năm của năm 2021 đã tăng vọt lên 4.300 tấn trong năm 2022. Sau khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Bộ Công Thương Việt Nam đã ký thỏa thuận với Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc nhằm tăng cường hợp tác về đất hiếm và các khoáng sản cốt lõi khác, đồng thời giúp củng cố chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu”, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn cho Sputnik.

Ông Nguyễn Hồng Long cũng lưu ý một điều là các quốc gia đang nắm giữ ông nghệ xử lý đất hiếm khác như Ấn Độ, Nhật Bản, Brazil, Đức, Pháp, Anh cũng đã bắt đầu “săn tìm” nguồn nguyên liệu chiến lược này sau khi Trung Quốc bắt đầu cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm từ năm 2010, trước khi cuộc thương chiến Mỹ - Trung bùng phát gần 10 năm.
“Trong bối cảnh một thị trường tiêu thụ đất hiếm ngày càng rộng mở như hiện tại và sẽ mở rộng hơn nữa trong tương lai thì dù Mỹ hay Trung Quốc cũng không phải là lựa chọn duy nhất cho mặt hàng “của hiếm” của Việt Nam”, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long nhấn mạnh.
“Trong tình hình thị trường đất hiếm hiện nay, Việt Nam có nhiều phương án hơn trong việc xuất khẩu đất hiếm. Nói một cách khác, Việt Nam có nhiều “khách hàng” khác ngoài Mỹ và Trung Quốc để lựa chọn, nhất là khi Việt Nam không muốn làm “phật lòng” hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik.

Người Mỹ đã tự chặt vào chân mình

Sau khi rút chân ra khỏi “vũng lầy” ở Việt Nam, nơi đã chôn vùi uy tín của 5 đời tổng thống Mỹ, kinh tế Mỹ phục hồi và phát triển trở lại nhờ dầu mỏ, hay nói đúng hơn là nhờ cơ chế Petro-Dollar được đặt nền móng từ thỏa thuận giữa Mỹ và Arabia Saudi tháng 5/1971. Theo đó, Mỹ cam kết sẽ cung cấp viện trợ quân sự cho Arabia Saudi theo cơ chế ưu đãi cũng như cam kết bảo vệ Arabia Saudi trước sự tấn công (nếu có) của Israel. Đổi lại, Arabia Saudi chỉ bán dầu mỏ cho khách hàng nào thanh toán bằng đồng Dollar Mỹ.

“Nhưng tới đầu thế kỷ XXI, kho công nghệ 4.0 lên ngôi, sự đe dọa tương lai của loài người thúc đẩy công nghệ xanh, sạch phát triển thì cơ chế Petro-Dollar đứng trước nguy cơ sụp đổ. Và sự sụp đổ ấy là không thể đảo ngược. Vấn đề không chỉ nằm ở việc các cực quyền lực mới của thế giới đã hình thành cũng như đồng Dollar Mỹ mất dần địa vị độc tôn trong thành toán quốc tế mà còn từ một cơ chế khác, được dự báo là sẽ đủ sức đánh bại cơ chế Petro-Dollar. Đó rất có thể là cơ chế “Đất hiếm-Nhân dân tệ”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm phát biểu với Sputnik.

Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm cũng nói thêm rằng, đây dường như là một nghịch lý khi vào những năm 1980, người Mỹ nắm trong tay tới hơn 95% sản lược đất hiếm thành phẩm toàn cầu. Tuy nhiên, giá nhân công đắt đỏ, chi phí khai thác tăng cao và đặc biệt là tác động có hại đến môi trường trong nước đã làm cho chính quyền Mỹ từ bỏ độc quyền và chuyển sang dựa hoàn toàn vào nguồn cung ứng dồi dào và giá rẻ từ Trung Quốc. Dĩ nhiên, bài toán tối ưu hóa lợi nhuận theo cách giải của người Mỹ đã tất yếu dẫn đến nghịch lý này.
Trong khi người Mỹ mải mê lao theo việc tối ưu hóa môi trường bằng cách đầu tư ra nước ngoài, thiết lập các cơ sở sản xuất ở nước ngoài và do đó, cũng xuất khẩu chất thải công nghiệp ra bên ngoài để giữ cho môi trường nước Mỹ “xanh và sạch” thì Trung Quốc đã giải bài toán của họ bằng cách khác. Từ những năm 1980, bằng việc tăng cường nghiên cứu phát triển và hình thành các tập đoàn lớn dưới sự kiểm soát của nhà nước, Trung Quốc đã sớm xác định ngành công nghiệp khai thác và chế biến đất hiếm là trọng tâm chiến lược quốc gia và có ý nghĩa lớn trên toàn cầu.
Một nền kinh tế tương lai không chỉ của Mỹ, không chỉ của Trung Quốc mà còn của toàn cầu không thể thiếu đất hiếm. Máy tính, điện thoại di động, lõi nam châm vĩnh cửu của máy phát điện, động cơ của các loại xe điện… cho tới vũ khí công nghệ cao, hàng không vũ trụ, hay năng lượng tái tạo đều có vai trò đặc biệt quan trọng của những kim loại được tinh chế từ đất hiếm.

“Cuộc chiến đất hiếm Mỹ-Trung”- từ âm thầm tới bùng nổ

Người Mỹ tỉnh ngộ muộn màng khi từ năm 2010 đến nay, Trung Quốc đã hầu như thống lĩnh thị trường đất hiếm toàn cầu trên cả ba lĩnh vực: Xuất khẩu quặng thô, xuất khẩu sản phẩm đất hiếm tinh chế và công nghệ tinh lọc đất hiếm. Do vị trí thống lĩnh đó, “đất hiếm” dần trở thành một dạng “vũ khí kinh tế” trong thời đại công nghệ 4.0.
Năm 2010, khi quan hệ Trung – Nhật căng thẳng xung quanh vấn đề chủ quyền ở quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là “Điều Ngư”), phía Trung Quốc đã ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản để “trả đũa”. Hậu quả là các ngành công nghiệp ô tô và điện tử của Nhật Bản bị thiệt hại nặng, phải đi tìm những nguồn cung ứng đất hiếm từ nơi khác để thay thế.

“Sự bùng nổ “cuộc chiến đất hiếm” thật sự diễn ra năm 2017 khi tổng thống Mỹ Donald Trump phát động “Thương chiến Mỹ - Trung” với mục tiêu “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Người Trung Quốc đã không cần phải đối phó với Mỹ bằng các hàng rào thuế quan và phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc. Họ chỉ cần “khóa van dòng chảy” sang Mỹ đối với 2 nguyên liệu bán dẫn cơ bản được tinh chế từ đất hiếm là Gallium và Germanium.

Đây là hai nguyên liệu bán dẫn không thể thay thế trong công nghệ chế tạo các loại chip điện tử được sử dụng phổ biến cả trong quân sự và dân sự, từ vệ tinh, các thiết bị ghi âm, ghi hình cũng như các trạm đầu/cuối của hệ thống cáp quang.v.v…”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm phát biểu với Sputnik.

Với sức mạnh áp đảo gần như tuyệt đối khi nắm giữ trong tay tới 60% sản lượng Gallium tinh chế và 80% sản lượng Germanium tinh chế trên toàn cầu thì đây mới chỉ là đòn cảnh cáo của Bắc Kinh đối với Mỹ vì hai hợp chất này vẫn chưa thuộc nhóm kim loại hiếm nhất trong số 17 nhóm đất hiếm đang được Trung Quốc cung ứng cho các ngành công nghệ.cao.
“Trong thời gian tới, nếu căng thẳng Trung – Mỹ tiếp tục gia tăng thì một chương trình cấm vận rộng hơn về đất hiếm của Trung Quốc đối với Mỹ sẽ để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, có thể làm đình đốn toàn bộ ngành công nghiệp công nghệ cao của Mỹ trong một tương lai không xa’, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long đưa ra nhận định với Sputnik.
Cả hai đối thủ của Mỹ trong cuộc cạnh tranh chiến lược toàn cầu đều đang nắm trong tay hai thứ “vũ khí kinh tế” hàng đầu. Đối với Nga là dầu khí. Đối với Trung Quốc là đất hiếm. Điều này lý giải vì sao Mỹ đối đầu kịch liệt với Nga ở Châu Âu nhưng lại phải vừa ve vãn Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương.

“Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam vào cuối tháng 9/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các công ty Mỹ đầu tư vào thăm dò đất hiếm ở Việt Nam, nơi có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 thế giới, để chống lại sự thống trị toàn cầu của Trung Quốc trong việc khai thác nguồn khoáng sản này. Và Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Việt Nam về khai thác đất hiếm. Trung Quốc cũng rất quan tâm đến việc tiếp cận kim loại đất hiếm của Việt Nam, nhưng không đạt được thỏa thuận với Việt Nam trong vấn đề này.

Cuộc chiến đất hiếm giữa Trung Quốc và Mỹ bắt đầu từ gần 7 năm trước, còn đối đầu về kim loại đất hiếm Việt Nam giữa hai cường quốc này, có thể nói, cũng đã bắt đầu…”, - PGS-TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang nói với Sputnik.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала