Biển Đông - Sputnik Việt Nam, 1920
Biển Đông
Tin tức, sự kiện, quan điểm, bình luận về tình hình Biển Đông, tranh chấp lãnh thổ, biển đảo.

“Mạng lưới liên minh” là thiết kế của người Mỹ, Philippines chỉ là người “thợ thi công”

© Google EarthTàu vận tải RMS Sierra Madre của Philippines cố tình neo đậu ở bãi cạn Second Thomas ở Biển Đông
Tàu vận tải RMS Sierra Madre của Philippines cố tình neo đậu ở bãi cạn Second Thomas ở Biển Đông - Sputnik Việt Nam, 1920, 15.03.2024
Đăng ký
“Mạng lưới liên minh” thực chất là kịch bản của người Mỹ, đạo diễn và thiết kế cũng là người Mỹ trong việc củng cố vành đai Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương để đối phó với Trung Quốc. Philippines chỉ là người “thợ thi công”. Còn Việt Nam thì hoàn toàn khác – Việt Nam chọn “cân bằng chiến lược”.
Kể từ khi tàu hải cảnh Trung Quốc chiếu tia laser quân sự vào tàu hải cảnh Philippines trên Biển Đông năm ngoái, Philippines đã ký một loạt thỏa thuận quốc phòng mới với gần 18 đối tác, tạo ra cái mà các quan chức gọi là “mạng lưới liên minh” có thể giúp quản lý căng thẳng ở vùng biển tranh chấp.

Kịch bản của người Mỹ, đạo diễn và thiết kế cũng là người Mỹ

Đề cập tới những động thái tích cực nói trên của Philippines chỉ trong một thời gian ngắn, nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh: Trước hết, hành động tham gia “mạng lưới liên minh” của Philippines là một sự thách thức đối với Trung Quốc sau mấy cuộc đàm phán song phương không thu được kết quả đáng kể vừa qua. Ngoại trưởng Philippines cho rằng “tuy Trung Quốc có nhượng bộ một số điểm nhưng vẫn không đầy đủ để bảo đảm chủ quyền cho Philippines”.

“Thực ra thì việc Philippines tạo ra “mạng lưới liên minh” là kịch bản của người Mỹ. Cái gọi là “mạng lưới liên minh” này thực chất là “Bộ tứ kim cương” mở rộng (QUAD +). Đây là màn diễn tiếp theo của Philippines sau thất bại của màn diễn đầu tiên với “diễn viên chính” là tân tổng thống trẻ tuổi Ferdinand Marcos Jr. đã thất bại khi muốn lôi kéo Việt Nam và Malaysia vào một “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC) riêng rẽ mà không có mặt Trung Quốc cũng như một số nước ASEAN có liên quan như Indonesia, Singapore, Bruney…”, - Nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik.

Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm cũng nói thêm rằng, thực chất của việc Philippines liên minh với QUAD bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và ký thỏa thuận quốc phòng với Canada hoàn toàn xuất phát từ kịch bản của người Mỹ, đạo diễn và thiết kế cũng là người Mỹ trong việc củng cố vành đai Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương để đối phó với Trung Quốc. Còn Philippines chỉ là người “thợ thi công” và là người thi công khá năng nổ khi chủ quyền và lợi ích quốc gia của họ có nguy cơ bị đe dọa.

Philippines đã dứt khoát chọn con đường “nhất biên đảo”, còn Việt Nam thì hoàn toàn khác

Cách đây mấy năm, Mỹ đã từng lôi kéo thêm Việt Nam, Hàn Quốc, Indonesia và cả vùng lãnh thổ Đài Loan tham gia vào QUAD nhưng không thành công. Mỗi quốc gia đều có những lý do riêng nhưng bản chất chung nhất vẫn là không ai muốn là “lính xung kích”cho Washington chống lại Bắc Kinh, kể cả Hàn Quốc cũng như vùng lãnh thổ Đài Loan là đồng minh tin cậy của Mỹ.
“Với việc tham gia QUAD mở rộng, Philippines đã tự đặt họ vào vị trí không chỉ là quốc gia đối đầu gần nhất với Trung Quốc (không kể Đài Loan) mà còn là tâm điểm của tứ giác QUAD. Điều này gợi nhớ đến việc Việt Nam đã trở thành “trung điểm” của “tam giác” Mỹ - Trung – Nga. Tuy nhiên, bản chất của vấn đề lại rất khác nhau”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Hoàng nói với Sputnik.
Biển Đông - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.03.2024
Biển Đông
Đối đầu Mỹ - Trung tiếp tục ở Tây Thái Bình Dương và hành động của Việt Nam
Chuyên gia Nguyễn Hoàng cũng lưu ý rằng, về cơ bản thì tuy có những mâu thuẫn có tính chiến thuật nhưng 4 quốc gia trong bộ QUAD đều có chung lợi ích khi đối đầu với Trung Quốc, mặc dù cự ly, lĩnh vực, sự trực tiếp hay gián tiếp là không giống nhau. Bên cạnh Ấn Độ vẫn còn đó mâu thuẫn dai dẳng với trung Quốc trên dãy Himalaya và một Nhật bản đang tranh chấp với Trung Quốc tại quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) thì cả Australia và Philippines đều là đồng minh chiến lược của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Do đó, Philippines đã dứt khoát chọn con đường “nhất biên đảo” (nghiêng về một bên).
Còn Việt Nam thì hoàn toàn khác. Tam giác Mỹ - Trung – Nga là tam giác giữa các đối thủ trong cuộc cạnh trong “địa chiến lược toàn cầu”. Trong tam giác đó có sự đan xen giữa hợp tác và đấu tranh ở các mức độ khác nhau. Nếu như quan hệ Trung – Nga khá nồng ấm, quan hệ Mỹ - Trung là có mức độ thì quan hệ Nga – Mỹ lại tụt xuống hầu như bằng “không”. Mặc dù mức độ quan hệ là rất không tương xứng nhưng Việt Nam vẫn có thể đặt quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 3 ông lớn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cho dù mức độ là không như nhau.
“Trong tình thế đó, cách mà Việt Nam chọn là “cân bằng chiến lược” chứ không phải là “nghiêng về một bên”. Sở dĩ Việt Nam làm được như vậy là vì ngoài quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, cấp độ quan hệ cao nhất trong “Học thuyết đối ngoại cây tre” của mình, Việt Nam không có quan hệ ràng buộc sâu rộng nào khác hơn và lớn hơn theo kiểu liên minh, đồng minh chiến lược với “ba ông lớn” này và lại càng không tham gia bất kỳ một liên minh quân sự nào”, - Chuyên gia Nguyễn Hoàng nhấn mạnh với Sputnik.
Chuyên gia Nguyễn Hoàng cũng cho rằng, việc Philippines “nghiêng về một bên” không chỉ thể hiện sự yếu kém trong tiềm lực kinh tế - quốc phòng của Philippines mà còn thể hiện rằng ý chí độc lập, tự chủ của họ đã bị giảm sút. Khi cả ý chí và lực lượng của Philippines đều không thể đủ để giữ vững nền độc lập, tự chủ một cách thực chất thì việc họ phải liên minh với nước này hay nước kia để chống lại bên thứ ba là điều dễ hiểu.
Còn Việt Nam thì khác. Cho dù còn chưa hẳn chiếm ưu thế tuyệt đối với trang bị, vũ khí hiện đại, nhưng tiềm lực quân sự-quốc phòng không hề thiếu, đặc biệt là con người, yếu tố quyết định mọi thành công hay thất bại.
Trong học thuyết quốc phòng của mình, Việt Nam lấy phòng thủ làm trọng, lấy quan hệ rộng rãi, bình đẳng làm trọng, lấy tin cậy chính trị làm trọng, lấy hòa bình và ổn định làm trọng và cuối cùng, lấy độc lập tự chủ, lấy lợi ích tối cao của quốc gia-dân tộc làm trọng. Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa Việt Nam và Philippines trong vấn đề “Chiến tranh và hòa bình”.

Chính sách và hành động của Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục trên Biển Đông

Trong tình hình căng thẳng hiện nay trên Biển Đông cũng như toàn khu vực Tây Thái Bình Dương, Việt Nam vẫn kiên định chủ trương chính sách đối ngoại “thêm bạn bớt thù”. Chủ trương “thêm bạn bớt thù” luôn là phương châm nhất quán và xuyên suốt đường lối đối ngoại của Việt Nam.

“Nhờ chính sách đối ngoại “thêm bạn bớt thù” ấy mà khi người Pháp, người Mỹ hay người trung Quốc phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam thì hầu hết nhân loại tiến bộ đều ủng hộ Việt Nam và đẩy những kẻ xâm lược vào thế bị cô lập, bị lên án và cuối cùng, gánh chịu thất bại. Cũng chính vì vậy mà các quốc gia đã từng xâm lược Việt Nam, gây tội ác với người Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam trong quá khứ đều muốn kết bè kết bạn với Việt Nam trong hiện tại.

Còn thân sơ thì tùy theo động cơ và mức độ nhận thức của họ nhưng tựu chung lại vẫn là tôn trọng sự khác biệt của nhau và hợp tác cùng nhau vì hòa bình trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Hoàng phát biểu với Sputnik.

Các chuyên gia Sputnik phỏng vấn đều nhất trí rằng, phương châm chính sách đối ngoại trên đây của Việt Nam đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam cũng như các đối tác trên cơ sở hài hòa về lợi ích và chia sẻ những rủi ro. Đặc biệt là trong tình hình thế giới hiện tại có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo, các thế lực toàn cầu tuy đối địch nhưng vẫn có lợi ích đan xen, cài cắm vào nhau thì việc chơi thân với nước này nhưng lạnh nhạt với nước kia, thậm chí là đi với nước này để chống lại nước kia là điều dại dột. Vì vậy, chiến lược đối ngoại “thêm bạn bớt thù” của Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị từ quá khứ đến hiện tại và cả trong tương lai.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала