Sau chuyến thăm của Biden đến Việt Nam, liệu Hà Nội có bị Trung Quốc trừng phạt?

© AP Photo / Manuel Balce CenetaJoe Biden và Nguyễn Phú Trọng.
Joe Biden và Nguyễn Phú Trọng. - Sputnik Việt Nam, 1920, 31.08.2023
Đăng ký
Bộ Ngoại giao xác nhận, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm Việt Nam từ ngày 10-11/9/2023 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cần lưu ý rằng, kể từ khi Việt – Mỹ bình thường hoá quan hệ, Joe Biden không phải tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thăm Việt Nam, nhưng Biden là tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm chính thức Hà Nội theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này cho thấy sự đặc biệt của chuyến thăm cũng như quan hệ giữa lãnh đạo Việt Nam – Hoa Kỳ.
Theo chuyên gia, xét về mọi mặt, lợi ích từ việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên thành đối tác chiến lược toàn diện (ngang tầm với Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc) sẽ vượt xa cái giá có thể phải trả nhưng Hà Nội cần đảm bảo Washington sẽ giữ đúng lời hứa, cam kết cũng như tránh bị kéo vào các xung đột chính trị không đáng có.

Biden thăm Việt Nam làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt – Mỹ

Như Sputnik đề cập, vừa qua, đích thân Biden đã nhiều lần úp mở về khả năng “sớm thăm Việt Nam”.
Hôm 29/8/2023, Bộ Ngoại giao Việt Nam phát đi thông cáo về chuyến thăm Hà Nội của lãnh đạo Nhà Trắng Joe Biden.
Động thái gây chú ý sau thời gian dài báo chí phương Tây cùng giới quan sát liên tục bình luận về khả năng Biden thăm Việt Nam cũng như việc ký kết thoả thuận nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên thành đối tác chiến lược toàn diện.
Trong thông cáo chính thức phát đi ngày 29/8 vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng thông báo về chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Việt Nam.
Quốc kỳ của Hoa Kỳ và Việt Nam. - Sputnik Việt Nam, 1920, 29.08.2023
Liệu Việt Nam có thể chơi trội hơn Mỹ?
“Dự kiến, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ thăm Việt Nam từ ngày 10-11/9/2023 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, Bộ Ngoại giao Việt Nam Việt Nam nêu rõ.
Các thông tin phân tích cùng nhiều chuyên gia nhận định cho rằng, hai nước Việt – Mỹ, vốn hiện đang ở mức “đối tác toàn diện”, có thể bỏ qua cấp độ “đối tác chiến lược” để chuyển thẳng lên cấp độ “đối tác chiến lược toàn diện”.
Đại diện Bộ Ngoại giao không xác nhận cụ thể về khả năng ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược, qua đó đưa quan hệ Việt – Mỹ có cơ hội vượt cấp ngang tầm với Trung Quốc và Nga… nhưng khẳng định, chuyến thăm Việt Nam sắp tới của lãnh đạo Mỹ sẽ “làm sâu sắc” hơn môi thân tình giữa Hà Nội với Washington.
“Chúng tôi tin rằng các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, đưa quan hệ hai nước phát triển ổn định, thực chất và lâu dài trên tất cả các lĩnh vực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực cũng như trên thế giới”, thông cáo của Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Đằng sau lời mời Joe Biden thăm Việt Nam của ông Nguyễn Phú Trọng

Cần nhắc lại rằng, Joe Biden không phải tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam, nhưng lại là tổng thống Hoà Kỳ đầu tiên tới thăm chính thức theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Vì sao người mời Biden lại là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chứ không phải Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng như thông lệ? Theo chuyên gia, việc đích thân Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam mời lãnh đạo Nhà Trắng đã nói lên sự đặc biệt của chuyến thăm “chưa từng có tiền lệ” này.
Nói về tầm quan trọng của chuyến thăm sắp tới, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường bày tỏ, kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, tất cả các tổng thống Mỹ, dù thuộc đảng Cộng hòa hay Dân chủ, đều đã thăm Việt Nam - có lẽ cũng là nước Đông Nam Á duy nhất mà các đời tổng thống Mỹ đều có chuyến thăm chính thức.
“Ngay cả với nhiều nước là đồng minh của Mỹ cũng không phải tổng thống nào cũng đi thăm được. Điều đó chứng tỏ nội bộ Mỹ đã đạt sự đồng thuận cao trong việc thúc đẩy quan hệ mọi mặt với Việt Nam, nhìn nhận và coi trọng vị thế cũng như vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế”, nguyên Đại sứ Nguyễn Quốc Cường khẳng định.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Geneva - Sputnik Việt Nam, 1920, 29.08.2023
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến thăm Việt Nam vào ngày 10 tháng 9
Ông Cường cho rằng, Việt Nam và Mỹ đã có 10 năm xây dựng lòng tin, đồng thời, đánh giá quan hệ hai nước đã có sự phát triển mạnh mẽ về cả chiều rộng và chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực.
Cá nhân ông cũng nhìn thấy bước phát triển mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực nêu trên, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư. Các cơ chế đối thoại chính trị, an ninh, hợp tác quốc phòng và nhiều lĩnh vực khác được duy trì thường xuyên. Hai bên đã có những trao đổi về các vấn đề còn khác biệt trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở nhằm thu hẹp khác biệt và tăng cường hiểu biết.
Sau cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden hồi tháng ba, hàng loạt chuyến thăm giữa quan chức Việt Nam và Mỹ đã diễn ra, trong đó có các chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen…

“Tôi hy vọng trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới của ông Joe Biden, lãnh đạo hai nước sẽ có những biện pháp mới để tăng cường và làm sâu sắc hơn mối quan hệ Việt - Mỹ trong nhiều năm tới”, Tuổi trẻ dẫn bình luận của nguyên Đại sứ bày tỏ.

Chuyên gia cũng nhận xét, sự phát triển năng động cũng như vai trò và uy tín quốc tế ngày càng tăng giúp Việt Nam đứng ở vị thế tốt hơn trong hợp tác với Mỹ trong những lĩnh vực mới, trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, y tế, an ninh lương thực và đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Tất cả những bước phát triển nêu trên sẽ là tiền đề quan trọng để hai nước tính tới việc nâng tầm quan hệ hai nước hơn nữa trong những năm tới. Vì những lý do nêu trên, tôi khá lạc quan về đà phát triển hơn nữa, xứng tầm của quan hệ hai nước”, nguyên Đại sứ Nguyễn Quốc Cường mong chuyến thăm Việt Nam của Biden sẽ đạt nhiều kết quả thực chất, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

Động thái hợp lý

Nếu đúng như dự đoán của giới quan sát quốc tế về khả năng Việt Nam có thể thiết lập đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, đây sẽ là bước đột phá rất lớn trong quan hệ giữa hai cựu thù mà lịch sử thế giới hiện đại không có nhiều trường hợp được “mẫu mực” như thế.
Theo TS. Lê Hồng Hiệp, từ Viện ISEAS-Yusof Ishak Institute của Singapore trong bài phân tích trên Fulcrum.sg. đã nhận định rằng: “Đây sẽ là bước đột phá đáng chú ý trong quan hệ song phương vì đối tác chiến lược toàn diện là cấp cao nhất trong hệ thống thứ bậc đối tác ngoại giao của Việt Nam”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden - Sputnik Việt Nam, 1920, 20.08.2023
Mỹ không muốn thua Nga và Trung Quốc trong quan hệ với Việt Nam
Chuyên gia chỉ rõ rằng, hiện Việt Nam chỉ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện như vậy với những nước được coi là có tầm quan trọng lớn đối với an ninh, thịnh vượng và vị thế quốc tế của Hà Nội. Đến nay, Việt Nam mới chỉ thiết lập đối tác chiến lược toàn diện với 4 nước gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Hàn Quốc.
Ông Hiệp nhận định: “Xét về mặt lợi ích, các lãnh đạo Việt Nam coi đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ là minh chứng cho vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam và là một sự công nhận tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Đối tác chiến lược toàn diện cũng sẽ giúp tăng cường hơn nữa quan hệ song phương trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm thương mại, đầu tư, công nghệ, ứng phó biến đổi khí hậu và năng lượng. Mỹ cũng có thể hỗ trợ Việt Nam về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và phát triển ngành bán dẫn.
“Mỹ được cho là cũng sẽ giúp Việt Nam hiện đại hóa quân đội và nâng cao năng lực nhận thức tình báo trên biển, cả hai hiện đều là những ưu tiên quốc phòng hàng đầu của Việt Nam”, chuyên gia của viện ISEAS tin tưởng.
Theo nhà nghiên cứu với lối tư tưởng tân tiến, cởi mở và khá thẳng thắn này, thì việc Hà Nội quyết định thiết lập đối tác chiến lược toàn diện với Washington, điều này sẽ gây ít nhiều bất ngờ.
“Bởi Hà Nội đã từng do dự trong việc nâng cấp quan hệ song phương, thậm chí lên cấp đối tác chiến lược”, TS. Lê Hồng Hiệp lưu ý, điều này chủ yếu là do Việt Nam lo ngại phản ứng tiềm tàng từ Trung Quốc. Tuy nhiên, từ quan điểm chiến lược, việc nâng cấp quan hệ lần này là hoàn toàn hợp lý vì nhiều lý do.
Đầu tiên, Việt Nam và Mỹ ngày càng có những lợi ích chiến lược tương đồng. Đối với Hoa Kỳ đó là chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do cởi mở, cũng như những nỗ lực chống lại tham vọng trên biển của Trung Quốc của Washington. Điều này, theo ông Hiệp, “phần lớn phù hợp với lợi ích của Việt Nam”.
Nhìn từ phương diện hợp tác đầu tư, kinh tế, quốc phòng quân sự (Mỹ có tiềm năng thành nhà cung cấp quốc phòng quan trọng cho Hà Nội trong tương lai), theo chuyên gia, nâng cấp quan hệ với một trong những đối tác quan trọng nhất như Hoa Kỳ lên mức cao nhất là “một động thái hợp lý đối với Hà Nội”.
Nguyên do tiếp theo mà TS. Lê Hồng Hiệp chỉ ra, đó là việc nâng cấp quan hệ với Mỹ không hề đi ngược với chính sách ngoại giao đa phương, đa dạng hoá của Việt Nam.
“Hà Nội mong muốn phát triển quan hệ vững mạnh và cân bằng với tất cả các nước lớn. Mang tư cách là siêu cường hàng đầu thế giới, Mỹ là mục tiêu lý tưởng cho chính sách ngoại giao nước lớn của Việt Nam”, theo TS. Lê Hồng Hiệp, Hà Nội cũng đang nhắm nâng cấp quan hệ với Nhật Bản và Úc lên mức đối tác chiến lược toàn diện sắp tới.
Phó Thủ tướng Việt Nam Trần Lưu Quang - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.08.2023
Liệu Mỹ có thể gây chia rẽ Việt Nam và Trung Quốc?
Về thời điểm, ông Hiệp giữ quan điểm, năm 2023 là phù hợp, khi Việt Nam và Hoa Kỳ đang kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, mang lại cho hai bên một lý do thuận lợi để nâng cấp quan hệ mà không gây ra những lo ngại không đáng có từ phía Trung Quốc.

‘Rất khó có khả năng’ Trung Quốc áp đặt trừng phạt với Việt Nam

Chuyên gia lý giải rằng, bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc nâng cấp quan hệ với Mỹ cũng có thể đặt Việt Nam vào thế khó ngoại giao nếu căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục xấu đi và Bắc Kinh sẽ đánh giá tiêu cực về việc Hà Nội nỗ lực tăng cường hợp tác với Washington là “chọn phe” Mỹ để chống và kiềm chế Trung Quốc.
Lo ngại duy nhất ở đây chính là phản ứng mang tính “trừng phạt” từ Trung Quốc. Tuy nhiên, theo TS. Lê Hồng Hiệp, rất khó có khả năng Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp mạnh để trừng phạt Việt Nam vì đối tác chiến lược toàn diện Mỹ-Việt chủ yếu chỉ là một tuyên bố chính trị hơn là một liên minh quân sự. Điều này kông gây ra bất kỳ mối đe dọa an ninh trực tiếp nào đối với Trung Quốc.
“Với tình thế cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ngày càng leo thang và sự o bế từ Washington đối với Hà Nội, Bắc Kinh nhận thức được rằng bất kỳ hành động thái quá nào cũng sẽ chỉ đẩy Hà Nội lại gần Washington hơn”, chuyên gia chỉ rõ.
Chính quyền Trung Quốc cũng tin tưởng rằng, bất chấp tranh chấp Biển Đông, Việt Nam vẫn luôn coi trọng quan hệ với Trung Quốc vì các lý do chính trị, kinh tế và chiến lược. Ông Hiệp cũng không loại trừ khả năng, Việt Nam sẽ sớm đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hà Nội sau chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden.
Nếu Hà Nội gật đầu đồng ý thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, đó sẽ là bước đột phá đáng chú ý trong quan hệ song phương Việt – Mỹ. Tuy nhiên, mối quan hệ đối tác như vậy sẽ không thể hiện sự thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại của Hà Nội.
“Lợi ích tốt nhất của Hà Nội là theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập và cân bằng đối với các cường quốc”, TS. Lê Hồng Hiệp chia sẻ quan điểm.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала