Biển Đông - Sputnik Việt Nam, 1920
Biển Đông
Tin tức, sự kiện, quan điểm, bình luận về tình hình Biển Đông, tranh chấp lãnh thổ, biển đảo.

Hành động của Đài Loan có tác dụng như một sự “phá bĩnh”

© AP Photo / Daniel CengMột người lính Hải quân đứng trong phòng điều khiển của một bến tàu đổ bộ lớp Yushan trong một cuộc tập trận quân sự ở thành phố Cao Hùng, Đài Loan
Một người lính Hải quân đứng trong phòng điều khiển của một bến tàu đổ bộ lớp Yushan trong một cuộc tập trận quân sự ở thành phố Cao Hùng, Đài Loan - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.06.2023
Đăng ký
“Hành động của Đài Loan được Trung Quốc làm ngơ và được Mỹ yểm trợ không khác gì một chiêu trò “chọc gậy bánh xe” để làm mất ổn định trong quan hệ giữa các nước tại khu vực Biển Đông, làm kéo dài sự bất an, có lợi cho Mỹ”.
Lực lượng Đài Loan vừa tiến hành tập trận bắn đạn thật trái phép ở đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam đã lên tiếng phản đối và yêu cầu hủy bỏ hoạt động trái phép này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng tuyên bố hôm ngày 8/6:

"Việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông”.

Liên quan đến sự kiện trên, Sputnik đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Long – chuyên gia về các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương và Biển Đông.

Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền với đả Ba Bình từ năm 1977, ngay sau khi gia nhập Liên Hợp Quốc

Sputnik: Thưa chuyên gia Nguyễn Hồng Long, ông có đánh giá như thế nào về động thái Đài Loan tập trận tại Đảo Ba Bình?
Ông Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương và Biển Đông:
Đảo Ba Bình có tên tiếng Anh là “Itu Aba”, tiếng Trung là “Thái Bình”, tiếng Nhật là “Naga shima”, nghĩa là “Đảo dài”. Với chiều dài khoảng 1,4 km, chiều rộng tới 370m, điểm cao nhất cách mực nước biển 3,8m. diện tích phần nổi tối thiểu gần 0,5 km2 (khi thủy triều lên cao nhất), Ba Bình là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền từ năm 1977, ngay sau khi gia nhập Liên Hợp Quốc.
Đảo Ba Bình nằm cách đảo Sơn Ca 6,2 hải lý (11,5 km) về phía Tây và cách đảo Nam Yết khoảng 11 hải lý (20,4 km) về phía Đông Bắc, ở vị trí trung tâm của cụm phía Bắc quần đảo Trường Sa, trên rìa phía Bắc vùng rạn san hô Tizard Bank. Ba Bình cùng với Nam Yết là hai đảo nổi thuộc vùng rạn san hô này.
Danh sĩ Việt Nam thời nhà Nguyễn là Nguyễn Thông (1827-1884), tự Hy Phần, hiệu Kỳ Xuyên, biệt hiệu Độn Am đã viết về rạn san hô Tizard Bank và đảo Ba Bình trong “Việt sử thông giám cương mục” như sau:
“Bãi cát dăng từ phía Đông mà sang phía Nam, chỗ nổi lên chỗ chìm xuống, không biết mấy nghìn dặm. Ở trong có vụng sâu, thuyền có thể đậu được. Trên bãi có nước ngọt. Chim biển có nhiều giống không biết tên. Có một cái miếu cổ, lợp ngói, biển ngạch khắc mấy chữ "Vạn lý ba bình", không biết dựng từ đời nào”.
Ngày 21/12/1933, thống đốc Nam Kỳ J. Krautheimer ký Nghị định số 4702-CP sáp nhập một số đảo chính và các đảo phụ thuộc trong quần đảo Trường Sa, trong đó có đảo Ba Bình, vào địa phận tỉnh Bà Rịa. Chính quyền Pháp tại Đông Dương cũng thiết lập tại đây một Trạm khí tượng hải văn mang số hiệu 48.919 do “Tổ chức khí tượng thế giới” cấp phép.
Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, quân đội Nhật Bản chiếm đảo Ba Bình làm căn cứ tàu ngầm và đặt dưới sự kiểm soát của Bộ chỉ huy tại Cao Hùng (Đài Loan). Năm 1951, Nhật Bản đã ký Hiệp ước San Francisco chấp nhận từ bỏ mọi quyền đối với quần đảo Trường Sa (và Hoàng Sa). Tháng 10/1946, người Pháp điều động chiến hạm “Chevreud” đến đảo Ba Bình và dựng một cột mốc đánh dấu chủ quyền bằng đá tại đây. Cùng thời điểm này, lợi dụng danh nghĩa giải giáp tàn quân Nhật, chính quyền Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch điều chiến hạm “Thái Bình” mang quân đổ bộ lên đảo Ba Bình. Bốn năm sau, do thất bại trong cuộc nội chiến nên chính quyền Trung Hoa Dân quốc phải tháo chạy ra đảo Đài Loan đồng thời rút quân khỏi đảo Ba Bình năm 1950.
Ngày 20/5/1956, lợi dụng việc thực dân Pháp phải rút khỏi Việt Nam theo Hiệp định Genève ngày 20/7/1954, chính quyền Đài Loan điều động tàu chiến chở binh lính đến chiếm đóng trái phép đảo Ba Bình mà không được sự ủy quyền của Liên Hợp Quốc. Hành động này được Mỹ đồng tình ủng hộ với toan tính rằng đây sẽ là một trạm cung ứng hậu cần tiền phương cho hải quân và không quân của hải quân Mỹ sau này trong cuộc chiến tranh xâm lược chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như để đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng - Sputnik Việt Nam, 1920, 08.06.2023
Biển Đông
Việt Nam có động thái cứng rắn với Đài Loan
Vì vậy, tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng vạch rõ rằng “Việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông” và “kiên quyết phản đối, yêu cầu Đài Loan hủy bỏ các hoạt động trái phép nói trên và không tái diễn vi phạm tương tự trong tương lai” là hoàn toàn có cơ sở và lý do chính đáng .

Vì sao Đài Loan ngày càng xâm phạm thô bạo chủ quyền của Việt nam tại quần đảo Trường Sa với mật độ và quy mô ngày càng lớn hơn?

Sputnik: Theo ông thì vì sao Đài Loan hành động như thế vào thời điểm này?
Ông Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương và Biển Đông:
Để né tránh những cáo buộc gia tăng hoạt động quân sự trên vùng đảo Ba Bình, từ năm 2000, Đài Loan đã rút dần lực lượng lính thủy đánh bộ khỏi đảo Ba Bình và thay thế bằng lực lượng Cảnh sát biển. Tuy gọi là cảnh sát biển như lực lượng này của Đài Loan được trang bị không thua kém thủy quân lục chiến với đầy đủ các vũ khí hạng nặng như chiến hạm, pháo, xe tăng lội nước và cả máy bay chiến thuật.
Đây không phải là lần đầu tiên, Đài Loan tiến hành tập trận bắn đạn thật trên khu vực đảo Ba Bình thuộc chủ quyền của Việt Nam. Gần đây, ngày 29/11/2022, cuộc tập trận của Cảnh sát biển Đài Loan phối hợp với lính thủy đánh bộ tại khu vực đảo Ba Bình và bãi Bàn Than đã bị phía Việt Nam kịch liệt phản đối. Ngày 31/3/2023, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lại tiếp tục đưa ra thông điệp lên án cuộc tập trận ngày 28/2/2023 của Hải quân và cảnh sát biển Đài Loan tại hòn đảo này.
Từ trước đến nay, các cuộc tập trận của Đài Loan ở đảo Ba Bình luôn được phía Trung Quốc làm ngơ, mặc dù họ tuyên bố ngang ngược rằng chủ quyền của Trung Quốc nằm trong phạm vi “đường lưỡi bò” (đã bị tòa án PCA bác bỏ). Sở dĩ Trung Quốc có động thái như vậy vì họ cho rằng Đài Loan vẫn là một bộ phận của Trung Quốc theo sự công nhận của Liên Hợp Quốc về việc xóa tên Trung Hoa dân quốc khỏi danh sách thành viên Liên Hợp Quốc.
Từ suy tính đó, người Trung Quốc cho rằng bằng cách này hay cách khác, trước sau thì một vùng lãnh thổ “chờ sáp nhập” như Đài Loan vẫn là của Trung Quốc. Và cái “vùng lãnh thổ chờ sáp nhập ấy” chiếm đóng thực thể địa lý nào, ở đâu thì Trung Quốc cũng vẫn được hưởng lợi. Chính vì nắm được suy tính đó của Bắc Kinh mà Đài Loan tiếp tục lấn tới, ngày càng xâm phạm thô bạo chủ quyền của Việt nam tại quần đảo Trường Sa với mật độ ngày càng dày đặc và quy mô ngày càng lớn hơn. Không những thế, Đài Loan còn được sự yểm trợ của Mỹ để trở thành một mắt xích quan trọng trong hệ thống vành đai hai lớp bao vây Trung Quốc từ Đông Bắc Á đến Đông Á, Đông Nam Á và kéo dài tới Ấn Độ Dương.
Đà Nẵng: Tưởng niệm các Liệt sĩ tại đảo Gạc Ma  - Sputnik Việt Nam, 1920, 12.03.2023
Gạc Ma 1988: Bộ đội Trường Sa làm lễ giỗ 64 liệt sĩ bị lính Trung Quốc sát hại
Vào thời điểm khi mà các quốc gia ASEAN ven Biển Đông đang có các cuộc đàm phán hết sức khó khăn với Trung Quốc để hình thành một bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông COC thì hành động của Đài Loan có tác dụng như một sự “phá bĩnh”. Về đối ngoại quốc tế, Đài Loan thừa biết rằng họ không được cả Trung Quốc và các quốc gia ASEAN coi là một quốc gia độc lập để tham gia COC. Nhưng do được Mỹ Mỹ yểm trợ, họ vẫn tỏ ra là một thế lực độc lập để đòi được “ngồi ngang hàng” với Trung Quốc và các quốc gia như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei, Singapore trong một Bộ quy tắc ứng xử COC. Do đó, hành động của Đài Loan được Trung Quốc làm ngơ và được Mỹ yểm trợ không khác gì một chiêu trò “chọc gậy bánh xe” để làm mất ổn định trong quan hệ giữa các nước tại khu vực Biển Đông, làm kéo dài sự bất an, có lợi cho Mỹ.

Thông điệp của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam không chỉ nhằm tới Đài Bắc mà còn gián tiếp nhắm tới Bắc Kinh

Sputnik: Việt Nam có thể làm được những gì ngoài việc thể hiện sự phản đối quyết liệt, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương và Biển Đông:
Quan điểm của Việt Nam không đơn giản chỉ là bảo vệ chủ quyền của mình trên Biển Đông theo UNCLOS-1982 mà xa hơn còn là hướng tới việc xây dựng một Biển Đông hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và thương mại dựa trên những thỏa thuận có tính quy tắc giữa các bên có liên quan. Theo đó, mọi hành động gây mất ổn định tại khu vực đều phải bị các bên lên án và ngăn chặn trong trường hợp cần thiết.
Đặt trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược toàn cầu giữa các cường quốc đang diễn biến ngày một xấu đi thì Việt Nam hiện đang ở vào tình thế khá phức tạp khi xử lý vấn đề chủ quyền ở Trường Sa nói chung và đối với đảo Ba Bình nói riêng. Nếu vấn đề Hoàng Sa chỉ là “câu chuyện tay đôi” giữa Việt Nam với Trung Quốc thì vấn đề Trường Sa là câu chuyện của 5 nước 6 bên. Trong đó có Đài Loan vốn là “lính xung kích” của Mỹ ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Tuân thủ nguyên tắc “một Trung Quốc”, Việt Nam không bao giờ coi Đài Loan là một quốc gia độc lập mà chỉ là một vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc nhưng có những đặc điểm khá giống với Hồng Kông hay Macao. Chính vì vậy mà thông điệp của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam không chỉ nhằm tới Đài Bắc mà còn gián tiếp nhắm tới Bắc Kinh. Có thể phán đoán những ẩn ý trong thông điệp này là nếu Bắc Kinh không có ý kiến dù là ý kiến trao đổi riêng với Việt Nam về vấn đề đảo Ba Bình thì có nghĩa là Trung Quốc để mặc cho Mỹ thao túng và lợi dụng vấn đề Đài Loan để làm khó cho quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, qua đó, ngăn cản quá trình tiến tới một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông công bằng, minh bạch, phù hợp với luật pháp quốc tế về chủ quyền trên biển mà UNCLOS-1982 là trụ cột.
Sputnik: Chân thành cảm ơn ông vì những thông tin và bình luận quan trọng và đáng chú ý.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала